Khả năng làm nhiều việc cùng lúc của chúng ta thay đổi như thế nào theo tuổi tác?

  •  
  • 182

Khả năng "đa nhiệm" là điều cần thiết trong cuộc sống ngày nay. Tuy vậy, làm hai, ba việc cùng một lúc không phải lúc nào cũng hiệu quả bằng việc tập trung vào một việc tại một thời điểm.

Trong bài viết trên The Conversation, Giáo sư Tâm lý học Phát triển tại Đại học Công giáo Australia Peter Wilson đưa ra những phân tích về sự thay đổi trong khả năng “multi-tasking” (đa nhiệm) của mỗi người theo độ tuổi. Từ đó, bạn có thể thực hành và cải thiện kỹ năng “đa tác vụ” của mình.

Làm nhiều việc cùng một lúc được coi là điều cần thiết trong cuộc sống ngày nay.
Làm nhiều việc cùng một lúc được coi là điều cần thiết trong cuộc sống ngày nay. (Ảnh minh họa: Verywell Mind).

Theo Giáo sư Wilson, tất cả chúng ta đều “nghèo” thời gian, vì vậy làm nhiều việc cùng một lúc được coi là điều cần thiết trong cuộc sống hiện đại.

Chúng ta trả lời email công việc trong khi xem TV, lập danh sách mua sắm trong các cuộc họp và nghe podcast khi đang rửa bát. Chúng ta cố gắng phân chia sự chú ý của mình vô số lần trong ngày khi thực hiện các nhiệm vụ - cả bình thường và quan trọng.

Nhưng làm hai, ba việc cùng một lúc không phải lúc nào cũng hiệu quả và an toàn bằng việc tập trung vào một việc tại một thời điểm.

Vấn đề nan giải với việc đa nhiệm là khi các nhiệm vụ trở nên phức tạp hoặc tiêu tốn nhiều năng lượng, chẳng hạn như vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại, hiệu suất của chúng ta thường giảm ở một hoặc cả hai “tác vụ.”

Vậy khả năng đa nhiệm của chúng ta thay đổi như thế nào khi chúng ta già đi?

Làm nhiều việc hơn, nhưng kém hiệu quả hơn

Vấn đề với việc thực hiện nhiều nhiệm vụ ở cấp độ não là hai nhiệm vụ được thực hiện cùng lúc thường “cạnh tranh nhau” để giành được các đường dẫn thần kinh chung - giống như hai luồng giao thông giao nhau trên một con đường.

Đặc biệt, các trung tâm lập kế hoạch của não ở vỏ não trước (và các kết nối với hệ thống tiểu não, cùng với những hệ thống khác) cần thiết cho cả nhiệm vụ vận động và nhận thức. Càng nhiều nhiệm vụ dựa vào cùng một hệ thống cảm giác, như thị giác, thì sự can thiệp càng lớn.

 Sử dụng điện thoại trong khi lái xe có thể gặp rủi ro.
Sử dụng điện thoại trong khi lái xe có thể gặp rủi ro. (Nguồn: Arrow Driving School)

Đây là lý do tại sao làm nhiều việc cùng một lúc, chẳng hạn như nói chuyện điện thoại trong khi lái xe có thể gặp rủi ro. Bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để phản ứng với các sự kiện quan trọng, chẳng hạn như phanh ôtô đột ngột và bạn có nguy cơ cao hơn bỏ lỡ các tín hiệu quan trọng, chẳng hạn như đèn đỏ.

Càng nói chuyện qua điện thoại thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao, kể cả khi nói chuyện ở chế độ “hands-free” (tạm dịch: “rảnh tay.”)

Nói chung, bạn càng thực hiện thành thạo một nhiệm vụ vận động cơ bản thì bạn càng có khả năng thực hiện một nhiệm vụ khác cùng lúc tốt hơn.

Ví dụ như các bác sỹ phẫu thuật có tay nghề cao có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hiệu quả hơn so với bác sỹ nội trú, điều này mang lại sự yên tâm trong một phòng phẫu thuật bận rộn.

Kỹ năng tự động hóa cao và quy trình não hiệu quả đồng nghĩa với tính linh hoạt cao hơn khi thực hiện nhiều tác vụ.

Người lớn có khả năng đa nhiệm tốt hơn trẻ em

Cả năng lực trí não và kinh nghiệm đều mang lại cho người lớn khả năng đa nhiệm cao hơn trẻ em.

Bạn có thể nhận thấy khi bắt đầu nghĩ về một vấn đề, bạn bước đi chậm hơn và đôi khi dừng lại nếu đang chìm đắm trong suy nghĩ. Khả năng đi lại và suy nghĩ cùng lúc sẽ tốt hơn trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên, cũng như các dạng đa nhiệm khác.

Khi trẻ em làm hai việc này cùng một lúc, tốc độ đi bộ và sự uyển chuyển của chúng đều giảm dần, đặc biệt khi trẻ thực hiện một nhiệm vụ ghi nhớ (như nhớ lại một dãy số), luyện nói trôi chảy (như gọi tên các con vật) hay một nhiệm vụ vận động chính xác (như cài cúc áo sơmi).

Ngoài ra, nhiệm vụ nhận thức có thể bị loại bỏ vì mục tiêu vận động được ưu tiên hơn.

Sự trưởng thành của não có liên quan nhiều đến sự khác biệt tuổi tác này. Vỏ não trước lớn hơn giúp chia sẻ nguồn lực nhận thức giữa các nhiệm vụ, đồng nghĩa khả năng tốt hơn để duy trì hiệu suất ở mức hoặc gần mức đơn nhiệm.

Đường chất trắng kết nối hai bán cầu của chúng ta (thể chai) cũng mất nhiều thời gian để trưởng thành hoàn toàn, đặt ra giới hạn về khả năng trẻ có thể đi lại và thực hiện các công việc thủ công (như nhắn tin trên điện thoại) cùng lúc.

Đối với trẻ em hoặc người lớn gặp khó khăn về kỹ năng vận động hoặc rối loạn phối hợp vận động, các lỗi đa nhiệm sẽ xuất hiện phổ biến hơn. Với họ, chỉ riêng việc đứng yên trong khi giải một bài tập trực quan (chẳng hạn như đánh giá xem một trong hai dòng kẻ, dòng nào dài hơn) đã là điều khó khăn.

Khi đi bộ, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành một quãng đường liên quan đến nỗ lực nhận thức trên đường đi. Bạn có thể tưởng tượng việc đi bộ đến trường với họ khó khăn như thế nào.

Sẽ thế nào khi chúng ta lớn tuổi?

Người lớn tuổi dễ mắc lỗi "đa tác vụ" hơn. Ví dụ, khi đi bộ, việc thêm một nhiệm vụ khác thường khiến người lớn tuổi đi bộ chậm hơn nhiều, cũng như chuyển động kém linh hoạt hơn so với người trẻ tuổi.

Sự khác biệt về tuổi tác này càng rõ rệt hơn khi phải tránh chướng ngại vật hoặc đường đi quanh co hoặc không bằng phẳng.

Việc kiểm tra khả năng đa nhiệm có thể cho bác sỹ lâm sàng biết về nguy cơ té ngã của bệnh nhân lớn tuổi trong tương lai tốt hơn việc đánh giá việc đi bộ đơn thuần, ngay cả với những người khỏe mạnh trong cộng đồng.

Đạp xe
Có thể cải thiện khả năng bằng những cách như lập danh sách mua sắm hoặc chơi trò chơi chữ trong khi đạp xe tập thể dục. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Việc kiểm tra có thể đơn giản như yêu cầu ai đó đi trên một con đường trong khi nhẩm trừ số bảy, mang theo một chiếc cốc và đĩa, hoặc giữ thăng bằng một quả bóng trên khay.

Sau đó, bệnh nhân có thể luyện tập và cải thiện khả năng bằng những cách như sáng tác bài thơ, lập danh sách mua sắm hoặc chơi trò chơi chữ trong khi đạp xe tập thể dục hoặc đi bộ trên máy chạy bộ.

Mục tiêu là để bệnh nhân có thể phân chia sự chú ý của họ hiệu quả hơn cho hai nhiệm vụ và bỏ qua những xao lãng, cải thiện tốc độ và khả năng giữ thăng bằng.

Đa nhiệm không phải lúc nào cũng giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng

Đừng quên rằng đi bộ tốt có thể giúp đầu óc chúng ta thông thoáng và thúc đẩy tư duy sáng tạo. Một số nghiên cứu cho thấy việc đi bộ có thể cải thiện khả năng tìm kiếm và phản ứng của chúng ta với các sự kiện trực quan trong môi trường.

Chúng ta thường bỏ qua những tổn thất về mặt cảm xúc và năng lượng khi làm nhiều việc cùng một lúc khi bị áp lực về thời gian. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống - gia đình, cơ quan và trường học - chúng ta nghĩ rằng đa nhiệm sẽ giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng. Nhưng thực tế có thể khác.

Làm nhiều việc cùng lúc đôi khi có thể làm cạn kiệt nguồn năng lượng dự trữ của chúng ta và gây ra căng thẳng, làm tăng mức cortisol, đặc biệt là khi chúng ta bị áp lực về thời gian. Nếu việc đa nhiệm được duy trì trong thời gian dài, nó có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc đơn giản là trống rỗng.

Suy nghĩ sâu sắc (“deep thinking”) đòi hỏi năng lượng và do đó, đôi khi cần thận trọng khi hành động cùng lúc - chẳng hạn như đắm chìm trong suy nghĩ khi đang băng qua một con đường đông đúc, đi xuống cầu thang dốc, hay sử dụng dụng cụ điện hoặc leo thang.

Vì vậy, hãy chọn thời điểm thích hợp để hỏi ai đó một câu hỏi khó chịu - có lẽ không phải khi họ đang thái rau bằng một con dao sắc. Đôi khi, tốt hơn hết là bạn nên tập trung vào một việc tại một thời điểm.

Cập nhật: 06/02/2024 Vietnam+
  • 182