Khắc tinh của đồ ăn nhiều chất béo

  •  
  • 877

Các nhà nghiên cứu Israel cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm có thể áp dụng phương pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh có trong đồ ăn nhiều chất béo. Khi tiêu thụ đồng thời polyphenol (các hợp chất tự nhiên có trong rượu vang đỏ, trái cây và rau củ) với đồ ăn có hàm lượng chất béo cao có thể giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe của loại đồ ăn này.

Joseph Kanner - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi có giả thuyết để giải thích cho cơ chế của polyphenol. Chúng tôi đã chứng minh được các hợp chất này hạn chế đáng kể các chất có hại trong thức ăn xuất hiện trong huyết tương của con người”.

Tiêu thụ đồng thời polyphenol (các hợp chất tự nhiên có trong rượu vang đỏ, trái cây và rau củ) với đồ ăn có hàm lượng chất béo cao có thể giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe của loại đồ ăn này. (Ảnh: iStockphoto/Diane Diederich)

Tham gia vào nghiên cứu gồm 6 người đàn ông và 4 phụ nữ được cho ăn 3 loại khẩu phần ăn khác nhau với món cotlet thịt gà tây đen. Một loại có thịt gà tây và nước. Một loại có thịt gà tây và polyphenol được thêm vào sau khi chế biến (một thìa canh rượu vang cô đặc), uống kèm với một ly rượu vang (khoảng 7 ao-xơ). Khẩu phần ăn thứ ba gồm thịt gà tây và polyphenol được thêm vào trước khi chế biến, uống kèm với một ly rượu vang.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, người tham gia được lấy mẫu nước tiểu và mẫu máu ở những thời điểm khác nhau để xác định tỉ lệ malondialdehyde (MDA). Đây là một phế phẩm tự nhiên của quá trình tiêu hoá chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh mãn tính khác. Nhóm nghiên cứu nhận thấy tỉ lệ MDA tăng lên gần 5 lần đối với khẩu phần ăn đầu tiên, còn đối với những người dùng bữa với polyphenol lượng MDA trong cơ thể gần như bị loại trừ.

Gerald Weissmann, trưởng ban biên tập tạp chí FASEB nói: “Chừng nào những món rán béo ngậy còn có trong thực đơn thì các nhà khoa học vẫn sẽ phải tìm ra những phương thức mới để hạn chế những tổn hại tế bào mà chúng gây ra. Đến lúc đó mọi người có thể ăn món rán của Pháp mà không lo bị tắc động mạch”.

Nghiên cứu đươc phát hành trên số ra tháng 1 năm 2008, tờ FASEB.

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 877