Phát hiện khảo cổ bất ngờ có thể khiến một công trình xây dựng bị hủy bỏ vì mục đích bảo tồn, nhưng một khách sạn 5 sao tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm ra cách sống chung một cách hài hòa với di sản hàng nghìn năm tuổi nhờ một kỳ tích về kỹ thuật xây dựng hiện đại.
Nhìn bề ngoài, khách sạn Bảo tàng Antakya giống như một công trình hiện đại bằng thép với các khối phòng hình hộp bên trong.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2009 khi gia tộc giàu có Asfuroglu động thổ xây dựng một khách sạn trên khu đất riêng ở thành phố Antakya, phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ giáp Syria, thì bất ngờ phát lộ phế tích thành cổ Antiochia, thành phố quan trọng thứ hai của Đế chế La Mã chỉ sau thành Rome. Đây được coi là phát hiện khảo cổ học quy mô và quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ những năm 1930 đến nay.
Ngay lập tức kế hoạch xây dựng khách sạn bị đình lại để tiến hành khai quật khảo cổ học. Nhưng gia tộc Asfuroglu đã đi đến quyết định táo bạo khi triển khai một kế hoạch kết hợp cả hai việc bảo tồn di sản và xây dựng công trình mới. Họ hợp tác với chính quyền thành phố Antakya và Bảo tàng Khảo cổ học Hatay để thực hiện kế hoạch chưa từng có tiền lệ này.
Sau khi hoàn tất khai quật, toàn bộ bức tranh khảm gốm rộng tới 1.050 mét vuông còn nguyên vẹn đã xuất lộ và cũng là tác phẩm lớn nhất thế giới dạng này từng được phát hiện. Đây cũng chính là tâm điểm của toàn bộ khu khảo cổ với các đồ án trang trí đa dạng như hình xoắn ốc, hình kim cương, tam giác và lục giác được phối hợp một cách kỳ công. Một góc bức tranh khảm gốm này giống như tấm thảm bay khổng lồ và sống động được ghép từ những mảnh gốm nhỏ mang tông màu ấm.
Bên cạnh đó là dấu vết của nhiều công trình xây dựng cổ đều có tuổi đời hàng nghìn năm như thánh đường, nhà dân và khoảng 35.000 hiện vật quý hiếm thuộc 13 nền văn mình khác nhau, có niên đại nối tiếp từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trong số này nổi bật là bức tượng bằng đá cẩm thạch tạc thần Hy Lạp Eros đầu tiên trên thế giới trong tình trạng hoàn toàn nguyên vẹn.
Với những di sản có giá trị tầm cỡ thế giới nói trên thì việc tiếp tục dự án xây dựng cả một khách sạn khổng lồ phía trên là điều gần như không tưởng. Tuy nhiên, bản thiết kế đột phá của kiến trúc sư danh tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Emre Arolat cho một khách sạn nổi bằng khung thép đã giải quyết tất cả thách thức này.
Dấu vết của nhiều công trình xây dựng cổ bên trong bảo tàng.
Ban đầu khi được mời thiết kế khách sạn vào năm 2010, kiến trúc sư Emre Arolat đã lưỡng lự và khuyên chủ đầu tư nên kết thúc dự án và bán lại khu đất hoặc chuyển giao cho các nhà khảo cổ học. Nhưng sau đó ông quay lại đi dạo xung quanh khu vực khai quật và thay đổi suy nghĩ để bắt tay vào phác thảo mẫu thiết kế khách sạn nằm treo phía trên khu khảo cổ.
Theo đó một cấu trúc khung thép có tổng trọng lượng khoảng 20.000 tấn, nặng gấp 4 lần Tháp Eiffel, được hàn định hình trong một nhà máy gần thành phố Istanbul. Sau đó các cấu kiện được vận chuyển về Antakya để dựng bộ khung cho khách sạn và các phòng nghỉ cho khách hình hộp đúc sẵn được đưa vào lắp ghép bên trong. Chi phí cho công trình xây dựng khách sạn có một không hai này lên tới 120 triệu USD, cao gấp 4 lần so với dự toán ban đầu do yêu cầu khắt khe về bảo tồn di sản.
Một thành viên của gia tộc chủ đầu tư là Timur Asfuroglu kể lại: "Khi anh em chúng tôi bàn bạc về công trình thì đa phần không muốn bỏ ra một số tiền lớn như vậy mà gần như không có khả năng hoàn vốn". Nhưng sau đó, người đứng đầu gia tộc và cũng là chủ tịch hội đồng quản trị công ty gia đình là Necmi Asfuroglu đã thuyết phục được họ rằng đây sẽ là "một dự án tầm cỡ thế giới và một di sản cho cho nhân loại".
Một góc mặt sàn chứa bức tranh khảm gốm rộng tổng cộng hơn 1.000 mét vuông được tạo hình uốn lượn như một bức thảm bay khổng lồ và sinh động.
Cả giới chức Thổ Nhĩ Kỳ lẫn các nhà khoa học đều đánh giá cao khách sạn 5 sao kiêm bảo tàng ở Antakya như mô hình hiếm hoi làm hài hòa giữa tham vọng cá nhân với lợi ích cộng đồng, giữa ưu tiên kinh doanh với sự dễ dàng tiếp cận di sản cho tất cả mọi người. Đúng như tên gọi, nơi này có khách sạn do gia tộc Asfuroglu điều hành và phần bảo tàng khảo cổ do Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ quản lý. Nhưng toàn bộ chi phí khai quật, xây dựng khách sạn lẫn nhà bảo tàng đều do gia tộc Asfuroglu chi trả.
Đầu năm nay, Khách sạn Bảo tàng Antakya hoàn thành sau 10 năm vừa khai quật vừa xây dựng, với quy mô 200 phòng nằm lơ lửng phía trên khu khảo cổ. Ngoài ra, trong khu phức hợp nổi bằng thép này còn có các không gian chung như sảnh đón khách, quầy bar và các nhà hàng sang trọng. Đặc biệt, khu spa tại đây nằm ngay phía trên các phòng tắm nguyên gốc từ thời La Mã Cổ đại của thành cổ Antiochia.
Khách sạn được đưa vào sử dụng ngay trước khi bùng phát đại dịch Covid-19 và sớm phải đóng cửa. Tuy nhiên, sự độc nhất vô nhị của nó khi hội tụ cùng lúc các yếu tố như tuyệt tác về kỹ thuật xây dựng, kiến trúc độc đáo và tầm nhìn từ trên cao xuống khu khảo cổ học hơn 2.000 năm tuổi tầm cỡ thế giới khiến nó được dự đoán sẽ gây ra cơn sốt vào nửa cuối năm nay, khi đón khách trở lại kể từ tháng 6.