Khai quật pháo đài nghi là thành phố mất tích thời cổ đại

  •  
  • 152

Các nhà khảo cổ vừa khai quật một pháo đài 2.000 năm tuổi ở dãy núi thuộc khu vực Kurdistan của Iraq, được cho là một phần của thành phố mất tích Natounia thời cổ đại.

Nghiên cứu được tạp chí Antiquity công bố hôm 19/7 cho thấy pháo đài bằng đá Rabana-Merquly bao gồm công sự dài gần 4 km, hai khu định cư, các bức phù điêu bằng đá và một phức hợp tôn giáo. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra pháo đài sau thời gian dài khai quật từ năm 2009, CNN đưa tin.

Ông Michael Brown, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Heidelberg (Đức), trưởng nhóm nghiên cứu dự án khảo cổ này, cho biết pháo đài nằm ở biên giới vương quốc Adiabene thời cổ đại. Vương quốc này được cho là nằm cạnh Đế chế Parthia, trải dài qua các vùng ở Iran và Lưỡng Hà khoảng 2.000 năm trước.

Ông Brown nói thêm ở lối vào có khắc hình vị vua của Adiabene, dựa theo trang phục, đặc biệt là chiếc mũ của nhân vật. Ông suy đoán rằng pháo đài này từng là thành phố hoàng gia Natounia, một phần của vương quốc Adiabene.

Bức điêu khắc trên lối vào Rabana-Merquly (phải) được cho là hình ảnh vị vua của vương quốc Adiabene
Bức điêu khắc trên lối vào Rabana-Merquly (phải) được cho là hình ảnh vị vua của vương quốc Adiabene. (Ảnh: CNN).

"Natounia chỉ được biết đến từ những đồng tiền quý hiếm, ngoài ra không có bất kỳ tài liệu tham khảo chi tiết nào", ông cho biết.

Dựa trên chi tiết những đồng xu, các nhà nghiên cứu cho rằng Natounia được đặt theo tên vị vua Natounissar, và vị trí thành phố nằm ở sông Hạ Zab, hay sông Kapros trong thời cổ đại.

Trong một tranh luận, các nhà nghiên cứu nói Rabana-Merquly không phải nơi duy nhất được cho là thành phố Natounia, nhưng cho đến nay, pháo đài này có nhiều dấu hiệu thể hiện việc nó từng thuộc "thành phố mất tích" nhất. Vị vua được khắc trên cổng vào có thể là Natounissar hay hậu duệ của ông.

Nghiên cứu cho biết Rabana-Merquly từng là nơi các bộ lạc giao thương, duy trì quan hệ ngoại giao hay gây áp lực quân sự.

Cập nhật: 22/07/2022 Zing
  • 152