Một loài thằn lằn chân ngón giả sọc mới vừa được khám phá ở dãy núi Trường Sơn của Việt Nam. Một nhóm nhà khoa học học gồm 3 người Việt Nam và 2 người Đức đã tìm ra loài thằn lằn mới này.
Loài thằn lằn mới này thuộc họ tắc kè (Gekkonidae) được đặt tên khoa học là Cyrtodactylus pseudoquadrivirgatus sp. n. Rösler, Nguyễn, Vũ, Ngô & Ziegler, 2007.
Loài thằn lằn mới này này có mặt ở các khu vực rừng thuộc dãy núi Trường Sơn của Việt Nam từ huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum), Khu bảo tồn Bà Nà (thành phố Đà Nẵng), Vườn Quốc gia Bạch Mã, rừng A Lưới (Thừa Thiên Huế) đến huyện Hương Hoá (tỉnh Quảng Trị). Chúng có kích cỡ trung bình: chiều dài đầu mình khoảng 48,6 mm – 83,3 mm, chiều dài đuôi khoảng 55,7 mm – 82,5 mm.
Thằn lằn chân ngón giả sọc (Ảnh: N.V.Trí) |
Tuy nhiên, một số mẫu khác cũng hiện diện những sọc đậm phân biệt hay vạch ngang đậm không đều, cũng có thể là những đốm không đều trên lưng. Đuôi có nhiều vạch nâu đậm và nhạt xen kẽ. Những vạch nhạt có thể rộng hơn hay hẹp hơn so với những vạch đậm kế cận.
Việc phát hiện loài thằn lằn chân ngón mới giả sọc này ở Việt Nam vừa được công bố trên Tạp chí quốc tế Hamadryad số 2, tập 32, tháng 12/2007.
Khám phá nói trên là một công trình hợp tác quốc tế của các nhà nghiên cứu động vật trong và ngoài nước, gồm: Nguyễn Quang Trường, Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật Hà Nội; Ngô Văn Trí, Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM (Viện Khoa học Việt Nam); Vũ Ngọc Thành, ĐH Quốc gia Hà Nội; Herbert Rösler, Bảo tàng Tierkunde và Tiến sĩ Thomas Ziegler, Vườn thú Cologne, Đức.
Khám phá mới này với việc phát hiện nhiều loài động thực vật khác trong năm nay cho thấy dãy Trường Sơn và những ngọn núi tách rời là một trong những trung tâm đa dạng sinh học. Ở đây vẫn còn ẩn chứa những giống loài cần được tiếp tục khám phá trong tương lai.
Có thể năm 2008 sẽ là “Năm của Đa dạng các loài thằn lằn và tắc kè” hay “Thế giới tắc kè và thằn lằn” của Việt Nam. Có hơn chục loài mới đặc hữu của Việt Nam đang được giới khoa học chuẩn bị công bố.
Loài thằn lằn mới này có màu nâu với nhiều đốm lớn màu nâu đậm nở rộng (Ảnh: N.V.Trí) |
Ngô Văn Trí
Theo Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM, Vietnamnet