Khám phá ranh giới ẩn của lục địa mất tích

  •  
  • 726

Một cuộc thám hiểm biển sâu gần đây đang dần hé lộ ranh giới của mảnh lục địa Zealandia bị nhấn chìm dưới Thái Bình Dương.

Zealandia tách khỏi siêu lục địa Gondwana từ 79 triệu đến 83 triệu năm trước. Mảnh vỡ khổng lồ này có diện tích ước tính lên tới 4,9 triệu km2, bằng một nửa Australia, nhưng hiện nay chìm gần như hoàn toàn dưới nước, ngoại trừ các đảo New Caledonia, Nam New Zealand và Bắc New Zealand.

Mô phỏng lục địa Zealandia với màu xám là phần chìm dưới nước.
Mô phỏng lục địa Zealandia với màu xám là phần chìm dưới nước. (Ảnh: LaSexta).

Zealandia chỉ mới được công nhận như một lục địa từ năm 2017. Kể từ đó, các nhà khoa học đã cố gắng lập bản đồ của nó nhưng công việc này không dễ dàng khi chỉ có 6% diện tích bề mặt lục địa nằm phía trên mực nước biển.

Trong một cuộc thám hiểm gần đây, nhà khoa học Trái đất Derya Gürer cùng các đồng nghiệp tại Đại học Queensland của Australia đã thu thập dữ liệu về rìa phía tây bắc của Zealandia, nằm ngoài khơi trong Công viên Biển Coral Sea ở Queensland. Nhóm nghiên cứu đã trải qua 28 ngày trên chiếc tàu Falkor để khám phá ranh giới ẩn của một khu vực rộng 37.000km2.

"Chuyến thám hiểm của chúng tôi đã thu thập dữ liệu địa hình và từ trường dưới đáy biển để hiểu rõ hơn về sự hình thành kết nối giữa biển Tasman và biển San hô trong vùng Cato Trough - hành lang hẹp giữa Australia và Zealandia", Gürer cho biết trong một tuyên bố.

Ảnh vệ tinh cho thấy Zealandia hiện nay chìm gần như hoàn toàn dưới biển.
Ảnh vệ tinh cho thấy Zealandia hiện nay chìm gần như hoàn toàn dưới biển. (Ảnh: SPL/Nature).

Khu vực giữa mảng Australia và mảng Zealandia rất phức tạp. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ có thể còn một số vi lục địa bị nhấn chìm ở đó, tất cả đều bị tách ra khỏi khối lục địa chính khi Australia được giải phóng khỏi Gondwana - siêu lục địa bao gồm Nam Mỹ, châu Phi, Nam Cực, Australia, Zealandia, Arab và tiểu lục địa Ấn Độ ngày nay.

Được thực hiện với sự cộng tác của Viện Đại dương Schmidt, việc lập bản đồ Zealandia là một phần của chuyến thám hiểm Seafloor to Seabirds. Dữ liệu sau đó sẽ được đưa vào một dự án lớn hơn nhằm mục đích cung cấp bản đồ toàn diện về đáy đại dương vào năm 2030.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), hiện có chưa tới 10% đáy biển được lập bản đồ bằng các phương pháp quét sóng âm sonar hiện đại. Chuyến thám hiểm Seafloor to Seabird không chỉ thu thập thông tin về địa hình mà còn cả dữ liệu về cường độ của từ trường trên toàn khu vực. Do lớp vỏ đại dương và lớp vỏ lục địa được cấu tạo từ các nồng độ khoáng chất khác nhau với các từ tính khác nhau, dữ liệu này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu tái tạo lại các mảnh vỡ của Gondwana.

Cập nhật: 03/04/2021 Theo VnExpress
  • 726