Các xác ướp đặt trong quan tài mạ vàng và ngôi mộ kỳ lạ ở TP Minya phía Đông Ai Cập được các nhà khảo cổ mô tả là "khám phá thót tim".
Ngôi mộ chứa các xác ướp được bảo quản tốt được khai quật từ di chỉ mang tên Al-Bhanasa, với hàng loạt món đồ tùy táng lạ mắt xung quanh.
Hai trong số 23 quan tài chứa xác ướp bên trong mộ - (Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP).
Theo Ancient Origins, phát hiện được coi là một bước đột phá khảo cổ. Phái đoàn dẫn đầu bởi TS Esther Oince Milado từ Đại học Barcelona và Viện Cận Đông (Tây Ban Nha) đã tìm ra các ngôi mộ.
Bên trong mộ là nhiều quan tài chứa xác ướp được thiết kế tinh xảo, mạ vàng. Quanh đó là những bức tượng đất nung hoàn toàn khác biệt với các vật tùy táng từ các ngôi mộ cổ Ai Cập khác.
Ngôi mộ được xác định thuộc về cuối Vương triều Ptolemaic, bắt đầu vào năm 305 trước Công nguyên và tồn tại gần 300 năm trước khi rơi vào tay Hoàng đế La Mã Octavian (Augustus).
Vì vậy, công trình mang đặc điểm "giao thời", tượng trưng cho giai đoạn chuyển giao giữa hai thời kỳ Ptolemaic và La Mã.
Cách các xác ướp được an táng hay những vật tùy táng lạ lùng là minh họa sống động cho sự thay đổi dần trong phong tục và tín ngưỡng tang lễ.
Gây chú ý nhất là hàng loạt tượng đất nung của nữ thần Isis-Aphrodite, một vị thần "lai" Ai Cập - La Mã, đội vương miện là một vòng hoa.
Tượng nữ thần Isis-Aphrodite - (Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP).
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn tìm được các phần của giấy papyrus, một con dấu bằng đất sét. Nhiều xác ướp được bọc trong những cuộn giấy đầy màu sắc.
Đáng chú ý nhất là hai xác ướp có "chiếc lưỡi thứ hai" trong miệng, làm bằng vàng, một phong tục mang dấu ấn của thời La Mã chiếm lĩnh Ai Cập.
Ngôi mộ tập thể là một căn phòng to lớn nằm dưới lòng đất, có một giếng đá dẫn xuống và một cánh cửa bằng gạch bùn.
Phía trên mộ là dấu tích một tòa nhà bị phá hủy, mà những gì còn sót lại vẫn giữ được hình trang trí tinh tế mô tả các loài thực vật, chim bồ câu, rắn hổ mang... cho thấy đây là một địa điểm có lịch sử phong phú.