Tóc và lông sẽ mọc dày hơn sau khi bạn cạo nó. Đọc sách trong bóng tối dần dần sẽ làm mắt bạn kém đi. Đi tiểu vào nơi sứa đốt sẽ làm dịu cơn đau... Cách mà cơ thể chúng ta hoạt động vẫn luôn là một bí ẩn, và ham muốn mở khoá tất cả các bí ẩn đó đã dẫn đến việc xuất hiện rất nhiều thông tin sai lệch. Rất nhiều quan niệm trong số đó được biết đến rộng rãi, và được tin như một sự thật hiển nhiên. Chúng ta phải luôn nghi ngờ, và thực hiện những nghiên cứu để tìm ra sự thật ẩn chứa đằng sau đó. Và sau đây là những gì chúng ta cần phải chú ý.
Nếu bạn đã xem, chắc hẳn bạn sẽ nhớ, một đoạn trong Seinfeld, khi Jerry quyết định cạo lông ngực của mình, bỏ qua những cảnh báo rằng nó sẽ mọc lại dày gấp đôi lúc trước. Dù trên ti vi là vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Nếu đúng như vậy, những người hói phải liên tục cạo đầu mình để ngăn không cho tóc rụng mất. Nhà nghiên cứu về trẻ em Rachel C. Vreeman và cộng sự Aaron E. Carrol đã bác bỏ quan điểm này.
Đầu những năm 1928, một thử nghiệm lâm sàng đã chứng tỏ rằng, cạo lông và tóc sẽ không làm ảnh hưởng gì đến độ dày hay tốc độ mọc lại của chúng. Hơn nữa, việc cạo bỏ chúng là loại bỏ phần “chết”, chứ không loại bỏ phần “sống” nằm dưới lớp da, do vậy có vẻ như không ảnh hưởng gì đến tốc độ phát triển lại của chúng. Lông và tóc mới mọc lại không có phần thon nhọn ở đầu như lúc trước khi cắt, nên làm cho ta có cảm giác chúng rất “thô”. Và tương tự, tóc mới mọc ít bị phơi nắng nhiều, và chưa bị ảnh hưởng bởi các loại hoá chất, vậy nên nhìn chúng sẽ đen hơn trước kia.
Tóm lại, về cơ bản, lông và tóc mới mọc lên rất thô, và bạn cảm giác là nó dày hơn. Thực tế là bạn đang tự lừa bản thân thôi, chúng chẳng thay đổi gì cả.
Bạn vẫn luôn tin rằng lượng calo ăn vào cân bằng với lượng calo thải ra là đủ để giữ cân nặng ở một mức nào đó, nhưng như vậy là bạn đã coi cơ thể của mình quá đơn giản. Tiêu thụ ít calo hơn có thể có một tác động nhất định nào đó, nhưng không phải tất cả các loại thức ăn đều có ảnh hưởng giống nhau khi ta tiêu hoá chúng. Nếu bạn có suy nghĩ đơn giản như trên, vậy hãy nghĩ thử xem về sự khác nhau giữa một thanh kẹo và một quả dưa chuột (với một lượng calo cung cấp bằng nhau). Chúng có vị khác nhau, có các thành phần dinh dưỡng khác nhau, và là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Có vẻ không logic nếu chúng được cơ thể sử dụng theo cách giống nhau.
Vấn đề ở đây, là bạn đang coi “calo” là một loại vật chất nào đó. Thực tế, “calo” chỉ là một đơn vị đo nhiệt lượng, và nó cũng không phải là thứ đầu tiên bạn nghĩ tới khi nhắc đến thức ăn. Theo wikipedia, “một calo là năng lượng cần thiết để tăng nhiệt độ của một gam nước thêm 1 độ C”. Về cơ bản, calo là một đơn vị đo lường, không phải là “vật chất” giúp cơ thể tạo năng lượng. Cơ thể sử dụng những gì hấp thu được từ thức ăn. Bạn sẽ không trở nên gầy hơn nếu chỉ ăn đồ ăn ít calo.
Rất nhiều người đã tranh cãi về vấn đề này do xuất hiện chế độ ăn kiêng của Mark Haub, trong đó anh ta ăn với một chế độ giảm calo, hai phần ba khẩu phần ăn chỉ gồm những đồ ăn linh tinh chứa rất ít năng lượng. Nhưng có một vấn đề ở đây. Đây chỉ là một nghiên cứu riêng lẻ của một người, chứ không phải dành cho tất cả mọi người. Ngay cả Haub cũng tự đặt ra câu hỏi: điều này có nghĩa là gì? Đó có nghĩa là tôi khoẻ hơn hay không? Hay đó có nghĩa là cách chúng ta định nghĩa sức khoẻ theo quan điểm sinh học, chúng ta đã bỏ qua điều gì?
Haub đã giảm 800 calo trong khẩu phần ăn của anh ta mỗi ngày, đó là một lượng khá lớn. Sẽ không có câu hỏi nào về việc, lượng calo mà chúng ta ăn vào liên quan tới việc cơ thể dự trữ năng lượng và giảm cân, nhưng đơn giản là, lượng calo không cho ta thấy một bức tranh đầy đủ. Cách mà cơ thể chuyển hoá đường là một ví dụ tuyệt vời về việc tiêu hoá các loại thức ăn khác nhau sẽ được kết quả khác nhau.
Bác sĩ Michael Eades đã chú ý vào hai nghiên cứu - một là thí nghiệm nhịn ăn của Ancel Keys và nghiên cứu của John Yudkin - cả hai đều là thử nghiệm các chế độ ăn kiêng ít calo với các thành phần dinh dưỡng khác nhau. Nghiên cứu của Keys sử dụng các thức ăn có lượng carbonhydrate cao hơn và lượng chất béo thấp hơn. Còn nghiên cứu của Yudkin thì ngược lại.
Kết quả của hai nghiên cứu, cũng rất khác nhau. Nghiên cứu của Yudkin kết thúc với kết quả: người ăn kiêng hoàn toàn khoẻ mạnh còn nghiên cứu của Key thì ngược lại. Hơn nữa, nhà dinh dưỡng học Kari Hartel cũng đưa ra những ý kiến chính về việc các chất dinh dưỡng khác nhau sẽ được sử dụng như thế nào. Ví dụ, bà chỉ ra rằng “chất xơ không được tiêu hoá hoàn toàn, nên nó có lợi cho sức khoẻ hơn mà không làm tăng lượng calo trong khẩu phần ăn kiêng”. Ngoải ra, “cơ thể bạn sinh ra nhiều calo từ việc hấp thu và chuyển hoá protein hơn những chấc khác. Protein giúp làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn từ dạ dày xuống ruột non, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn".
Với ý kiến rằng cơ thể sẽ khoẻ mạnh nhờ việc ăn một lượng calo nào đó, thì thực tế lại cho thấy thức ăn và cơ thể bạn phức tạp hơn nhiều. Dù rằng giảm lượng calo có thể mang một ý nghĩa nào đó, nó không phải là yếu tố duy nhất. Cân nặng hiện tại của bạn, số cân nặng bạn muốn giảm, sự cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn của bạn, lượng calo bạn tiêu thụ qua việc tập luyện, và lượng thời gian mà bạn chỉ ngồi một chỗ mỗi ngày là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn cũng như sự giảm cân. Giảm lượng calo ăn vào là một cách nói ngắn gọn, nhưng bạn cũng phải đồng thời chú ý vào những yếu tố khác để đạt được sức khoẻ như mong đợi.
Người ta thường nói là chúng ta phải ngủ 8 tiếng mỗi đêm, thì thực tế lý lẽ kia không phải đúng với tất cả mọi người. Tờ báo Hindustan Times đã chỉ ra rằng, một nghiên cứu ở châu Âu đã cho thấy những người có gene ABCC9 trong cơ thể thì cần ngủ ít hơn những người khác. Tìm thấy một gene tương tự ở ruồi giấm, các nhà khoa học nhận thấy khi thay đổi gene này cũng làm thay đổi lượng thời gian nghỉ ngơi của ruồi. Khi thực hiện một cuộc điều tra về số giờ ngủ của mỗi người, kết quả đạt được rất thú vị. Với một số, tám tiếng ngủ mỗi ngày là bắt buộc. Với một số khác, như vậy là quá nhiều.
Ngoài ra, Wired Magazine đã định danh một chất hoá học có tên Orexin A hoạt động như một chất thay thế giấc ngủ. Nó xuất hiện trong cơ thể con người với một lượng nhất định, và khi hàm lượng chất này giảm, con người sẽ cảm thấy mệt mỏi. Kể từ khi được tìm ra, Orexin A được sản xuất dưới dạng thuốc xịt mũi nhằm thử nghiệm tác dụng của chất này với chứng ngủ rũ - narcolepsy. Trong nghiên cứu của UCLA, một số nhà khoa học quyết định thử cho một số con khỉ đang mệt mỏi ngửi chất này. Những con khỉ đang thiếu ngủ 30 đến 36 tiếng chia thành 2 nhóm, một nhóm ngửi Orexin A, một nhóm được cho thuốc an thần (thuốc không có dược chất mà chủ yếu là trấn an về mặt tinh thần), sau đó cả 2 nhóm này được thực hiện một bài test về nhận thức. Những con khỉ nhóm 1 được cho Orexin A hoàn thành tốt bài test, trong đó nhóm 2 thì vẫn có vẻ lờ đờ và không vượt qua được bài kiểm tra.
Dù sao thì, những thông tin về Orexin A vẫn chỉ đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng người ta muốn nói rằng giấc ngủ không bắt buộc phải cố định như chúng ta nghĩ. Một cách khác, ngủ 8 tiếng mỗi ngày không phải là không tốt, nhưng không phải tất cả mọi người đều cần ngủ từng ấy thời gian.
Đọc sách trong ánh sáng lờ mờ không tốt cho đôi mắt của bạn. Rất nhiều người nghĩ như vậy. Nếu bạn đọc sách ở một góc tối nào đó, người ta sẽ nhắc bạn bật đèn lên. Trong thực tế, nếu đọc sách trong điều kiện ánh sáng không đủ, bạn sẽ bị mỏi mắt; và theo nhà nghiên cứu về sức khoẻ trẻ em Rachel C. Vreeman và trợ giảng Aaron E. Carrol, điều này không nghiêm trọng gì và sẽ không gây nên những ảnh hưởng vĩnh viễn đến mắt của bạn.
Theo đa số ý kiến của chuyên khoa mắt, đọc sách trong ánh sáng lờ mờ sẽ không gây hại gì cho mắt của bạn. Mặc dù mắt bạn có thể bị mỏi, cùng với nhiều hiệu ứng không tốt tạm thời, nó sẽ không gây ảnh hưởng vĩnh viễn tới cấu trúc và chức năng đôi mắt của bạn. Như với những bệnh nhân bị hội chứng Sjögren (một bệnh tự miễn gây viêm các tuyến ngoại tiết và bề mặt mắt), sự suy giảm thị lực cùng với sự mỏi mắt khi đọc sách sẽ được cải thiện khi họ ngừng đọc.
Một bài báo về tật cận thị đã kết luận rằng khi đọc sách bằng một bên mắt, hay đọc sách quá gần mắt, sẽ ảnh hưởng không tốt tới nhãn cầu và gây nên cận thị, chứ đọc sách trong ánh sáng yếu chưa hẳn là nguyên nhân gây nên cận thị. Một minh chứng khác, đó là sự gia tăng tỉ lệ bị cận thị ở những người học nhiều. Trong quá khứ, con người ta thường đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, ví dụ như ánh sáng của nến hay đèn lồng, mà tỉ lệ bị cận thị không cao, cho nên việc tăng tỉ lệ bị cận thị qua nhiều thế kỉ là bằng chứng cho thấy đọc trong điều kiện thiếu ánh sáng không hẳn là có hại. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều ý kiến cho rằng đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng sẽ không gây hại cho đôi mắt của bạn.
Trong show truyền hình Friends, có một kì có cảnh Monica bị sứa đốt, và sau đó Joey nghĩ ra rằng đi tiểu lên vết đốt đó sẽ giúp giảm đau nhanh chóng. Dù rằng đây chỉ là một show diễn trên truyền hình, nhưng nó cũng giúp lan truyền ý nghĩ rằng đi tiểu lên bạn của mình trong tình huống hợp lý là rất tốt. Thực ra không phải như vậy. Mark Leyner và Dr. Billy Goldberg, tác giả của Why Do Men Have Nipples?, đã đưa ra hướng dẫn có thể áp dụng trên hầu hết các vết đốt của sứa.
Bạn cần phải bỏ hết những tua sứa còn sót lại, dùng găng tay sẽ tốt hơn. Đổ giấm lên vùng bị sứa đốt. Acid acetic có trong giấm sẽ giúp loại bỏ các tế bào sứa ở vết đốt đi, giúp bạn đỡ đau và ngứa. Nếu không có giấm, bạn có thể dùng nước muối. Trong phòng thí nghiệm, người ta thấy nước tiểu, amoniac và rượu đều làm nặng thêm vết sứa đốt, và sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy đau hơn mà thôi.