Hai nhà nghiên cứu động vật vừa tìm thấy một loài thằn lằn chân ngón mà giới khoa học chưa từng biết trong vườn quốc gia Cúc Phương ở tỉnh Ninh Bình.
>>> Khám phá loài thằn lằn thứ 20 ở Việt Nam
Ông Ngô Văn Trí, một chuyên gia của Viện Sinh học Nhiệt đới Việt Nam và ông Chan Kin Onn, làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thuộc Đại học Kansas tại Mỹ phát hiện loài thằn lằn chân ngón trong rừng quốc gia Cúc Phương.
Thằn lằn chân ngón Cúc Phương. (Ảnh: Ngô Văn Trí)
Cyrtodactylus cucphuongensis - tên khoa học của loài thằn lằn chân ngón Cúc Phương - có những đốm đen viền vàng trên đầu, 5 hoặc 6 vạch rộng đen thẫm không đều trên lưng, viền vàng và những đốm đen hai bên hông. Những đốm đen cũng xuất hiện giữa chân trước và chân sau. Chiều dài thân trung bình của chúng vào khoảng 96mm.
Hai nhà nghiên cứu nhận định thằn lằn chân ngón Cúc Phương là loài động vật đặc hữu của vườn quốc gia Cúc Phươg và số lượng của chúng trong môi trường tự nhiên khá nhỏ. Chúng thích nghi với đời sống trong hang núi đá vôi.
Phát hiện được công bố trên tạp chí phân loại động vật Zootaxa số ra ngày 9/12.
Đây không phải lần đầu tiên nhà nghiên cứu Ngô Văn Trí tìm thấy loài động vật bò sát mới tại Việt Nam. Năm ngoái ông cùng một nhà khoa học Mỹ phát hiện loài nhông cát trinh sản Leiolepis ngovantrii sau khi đọc thực đơn trong một nhà hàng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đặc biệt của nhông cát trinh sản là chúng có thể sinh sản vô tính mà không cần con đực.