Việt Nam: Voọc hiếm có nguy cơ tuyệt chủng

  •  
  • 3.418

Voọc đầu trắng (hay voọc Cát Bà), một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn cây cảnh tự nhiên.

>>> Voọc chà vá chân đỏ giảm mạnh ở Sơn Trà

Hiện tại, còn khoảng 70 cá thể của loài voọc đầu trắng trong Vườn quốc gia Cát Bà, tăng 10 cá thể so với năm 2000.

Tuy nhiên, các nhà bảo tồn cảnh báo voọc đầu trắng đang phải đối mặt với một nguy cơ khác: nạn vào rừng nhổ cây để bán cho ngành công nghiệp cây cảnh. Một trong những loài cây bị nhổ trộm nhiều nhất là cây vả.

Voọc đầu trắng (hay voọc Cát Bà) đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn cây cảnh
Voọc đầu trắng (hay voọc Cát Bà) đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn cây cảnh

Cây vả, hay cây sung, là một trong những loài cây phổ biến để tạo dáng thành cây cảnh ở khu vực châu Á, như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc,... Những cây vả nhỏ đầy đủ rễ có thể được bán với giá 1.000 USD. Cây càng lâu năm, càng có giá trị.

Ông Nguyễn Công Chí, đang sở hữu khoảng 700 cây cảnh có giá trị tại một vườn cây cảnh ở Hà Nội, cho biết một số cây cảnh của ông đã hơn 150 tuổi và một số cây được bán với giá lên tới 350.000 USD.

Sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến những gia đình nghèo ở gần Vườn quốc gia Cát Bà vào rừng trộm cây để bán. Phạm Văn Tuyên, một nhân viên bảo tồn, cho biết trên Guardian: "Khi săn bắn trở nên khó khăn hơn vì động vật khan hiếm, người dân địa phương đã chuyển sang trộm cây để bán. Chỉ cần vài giờ vào rừng, họ có thể kiếm được một cây cảnh khoảng 30-40 tuổi".

Năm 2000, Dự án bảo tồn voọc Cát Bà đã được thành lập với sự giúp đỡ của chuyên gia Đức. Các nhà khoa học đã tuyên bố voọc Cát Bà là một trong những loài linh trưởng hiếm nhất thế giới thể. Dự án đã thuê người dân địa phương bảo vệ loài voọc này thay vì săn bắn chúng, đồng thời mở các chương trình giáo dục tại các cộng đồng xung quanh.

Mặc dù vậy, người dân vẫn tiếp tục vào rừng trộm cây làm suy giảm hệ sinh thái đã bị tổn thương và khuyến khích những kẻ cơ hội phá rừng thường xuyên hơn.

Ông Rick Passaro, giám đốc dự án, cho biết: "Đảo Cát Bà có hệ sinh thái rất đa dạng. Một loài rắn mới, một loài dơi và một loài tắc kè mới từng được phát hiện tại đây. Các động vật lớn hơn đang có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng nếu rừng bị tàn phá với tốc độ hiện nay".

Theo Vietnamnet
  • 3.418