Các nhà khoa học Việt Nam và Đức đã phát hiện và công bố vùng phân bố mới hai loài ếch nhái mới cho khu hệ lưỡng cư bò sát của Việt Nam trên tạp chí Russian Journal of Herpetology số 21 (tháng 12 năm 2014) dựa trên mẫu vật thu thập ở tỉnh Điện Biên (Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé) và Sơn La (Khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp và Copia), Tây Bắc Việt Nam.
Hai loài ếch nhái này có tên khoa học là Babina lini (Chou, 1999) và Hylarana menglaensis Fei, Ye et Xie, 2008. Cả hai loài được ghi nhận sống ở các vực suối chảy chậm và ở độ cao 1000-1600m so với mực nước biển.
Ếch suối lin Babina lini trước đây đã được ghi nhận ở nhiều nước như Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Mẫu vật của loài tại Việt Nam có kích thước 49,8 – 59,5 mm ở con đực và 55,1 – 60,8 mm ở con cái. Lưng màu nâu sẫm với sọc sáng hẹp ở giữa và hai sọc sáng rộng hơn ở rìa ngoài. Hai bên sườn có nếp gấp lớn, mịn, màu vàng nhạt. Tiếng kêu của loài chỉ được ghi nhận vào buổi tối đêm.
Ếch lini Babina lini – (Ảnh: Lê Trung Dũng)
Ếch bám đá mường là loài đặc hữu của Trung Quốc, trước đây chỉ được ghi nhận tại tỉnh Yunan, phía Đông Nam Trung Quốc. Loài trước đây có thể được ghi nhận nhầm lẫn với loài Ếch suối Hylarana nigrovittata có khu phân bố rộng ở Việt Nam. Cá thể cái của loài có kích thước 44,1 – 49,3 mm lớn hơn cá thể đực 38,9 – 44,9 mm, mặt trên của đầu và thân màu nâu xám với nhiều đốm đen nhỏ, hai bên sườn có các đốm đen lớn hơn. Tiếng kêu của loài được ghi nhận vào cả ngày và đêm.
Ếch bám đá mường la Hylarana menglaensis – (Ảnh: Lê Trung Dũng)
Các công trình công bố gần đây của nhóm các nhà khoa học cho thấy mối quan hệ gần gũi về khu hệ lưỡng cư giữa các khu vực rừng núi của Tây Bắc Việt Nam, Đông Bắc Lào và Đông Nam Trung Quốc. Cần phải có những nghiên cứu tiếp theo để xác minh thực tế của mối liên hệ này.