Hố đen khổng lồ nằm giữa dải ngân hà sắp được "no bụng" sau khi một nhóm lớn các tiểu hành tinh đang bị hút về phía nó.
>>> Siêu lỗ đen sắp "nuốt" đám mây gấp 3 Trái đất
Đó là kết luận của một nhóm các nhà thiên văn học trong lúc nỗ lực tìm hiểu tại sao hố đen Sagittarius A* lại phát ra ánh sáng rực rỡ đúng một lần vào mỗi ngày và mỗi lần kéo dài hơn vài giờ, theo tờ Daily Mail.
Nhóm chuyên gia, dẫn đầu là Kastytis Zubovas của Đại học Leceister (Anh), nghi ngờ tình trạng này là do một đám đông tiểu hành tinh đang xoay quanh hố đen, những thiên thể bị tước đoạt khỏi hệ mặt trời của chúng.
Các quầng X-quang xuất hiện quanh hố đen là bí ẩn lâu nay đối với các nhà thiên văn học
Theo tính toán, các tiểu hành tinh này đang tiến dần vào khu vực chỉ cách Sagittarius A* khoảng 160 triệu km, tức bằng khoảng cách giữa mặt trời và trái đất. Và một khi đã lọt vào vùng này, chúng sẽ bị hố đen này trên "xé xác và nuốt gọn".
Khi những thiên thể bể vụn bay xuyên những luồng khí nóng đang tuôn chảy vào lòng hố đen, chúng bốc hơi và phun ra tia phóng xạ X.
Phần còn lại của các tiểu hành tinh cũng sẽ nhanh chóng bị chôn vùi trong lòng hố đen Sagittarius A*, với khối lượng ước tính gấp khoảng 4 triệu lần mặt trời.
Các chuyên gia hy vọng giả thuyết trên là lời giải đáp đúng đắn nhất cho bí ẩn lâu nay về những quầng X-quang xung quanh hố đen, theo báo cáo vừa được đăng tải trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.