Lần đầu tiên các nhà thiên văn học đã đo được tốc độ quay của một siêu hố đen, và nó xoay với vận tốc gần bằng tốc độ ánh sáng.
Hình ảnh của NGC 1365 cho thấy khả năng chụp cận cảnh hố đen của NuStar
NuStar, viễn vọng kính tia X của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lên quỹ đạo hồi giữa năm ngoái, đang cung cấp những chứng cứ mới nhất cho thấy rìa ngoài của hố đen NGC 1365 đang quay với vận tốc 84% tốc độ ánh sáng hoặc hơn.
Siêu hố đen tại thiên hà NGC 1365 có khối lượng gấp hơn 2 triệu lần mặt trời, do vậy giới thiên văn học không thể tưởng tượng nổi nó lại quay nhanh đến vậy.
Giáo sư Guido Risaliti của Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian (Mỹ) và đồng sự đã rút ra kết luận trên khi nghiên cứu các tia năng lượng cao thông qua NuStar và kính thiên văn không gian XMM-Newton của châu Âu.
Theo báo cáo trên chuyên san Nature, rìa ngoài cùng hố đen NGC 1365 có tốc độ quay dao động từ 84 đến 97% vận tốc ánh sáng.
Việc đo được tốc độ quay của hố đen tại các trung tâm thiên hà thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới thiên văn học, do sự tượng hình của chúng được cho là phản ánh sự hình thành của bản thân thiên hà đó.