Khỉ có thể viết lại kịch Shakespeare nhờ công nghệ

  •  
  • 613

Chỉ cần một ít sự hỗ trợ từ công nghệ đọc trí nhớ, các tác phẩm bất hủ của Shakespeare có thể được viết lại bởi... những chú khỉ.

Người ta vẫn thường cho rằng, chẳng đời nào một con khỉ có thể dùng đến máy đánh chữ để gõ vài dòng, chứ đừng nói gì đến việc đánh lại toàn bộ tác phẩm của Shakespeare. Câu chuyện tưởng như không bao giờ trở thành hiện thực đó hóa ra lại có thể. Một thí nghiệm kì lạ đã được tiến hành và biến chuyện cổ tích thành sự thật.

Để chứng minh người bại liệt có thể đánh máy bằng cách sử dụng một thiết bị được gọi là "giao diện bộ não máy tính", các nhà khoa học đã dùng khỉ để chỉ ra cách hoạt động của nó. Công nghệ sử dụng một dãy nhiều điện cực cấy vào trong bộ não. Việc đó có thể giúp đọc trực tiếp những tín hiệu từ các vùng điều khiển bàn tay và những chuyển động của cánh tay. Các vùng này chịu trách nhiệm cho việc di chuyển con chuột máy tính.

Hai chú khỉ tham gia vào thí nghiệm đánh máy tác phẩm của Shakespeare.
Hai chú khỉ tham gia vào thí nghiệm đánh máy tác phẩm của Shakespeare. (Ảnh: Getty Images).

Nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Stanford đã phát triển thuật toán để dịch các tín hiệu cũng như tạo ra các từ ngữ được lựa chọn. Những chú khỉ được huấn luyện để gõ lại các từ tương ứng với những gì chúng thấy trên màn hình. Chúng được đưa một đoạn trong tác phẩm Hamlet của Shakespeare và một phần trên báo New York Times để sao chép lại.

Công nghệ này cho phép những con khỉ gõ với tốc độ lên đến 12 từ/phút. Sau một khoảng thời gian, hai chú khỉ nâu được chọn làm thí nghiệm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy tốc độ 12 từ/phút không thể so sánh với những người đánh máy nhanh nhẹn nhưng điều này cũng đủ chứng minh rằng: "Nếu một con khỉ không hề biết chút gì về tiếng Anh, có thể vận hành hệ thống này một cách "ngon lành", thì hệ thống cũng hoạt động tốt với con người y như vậy".

Để hoàn thành công việc, những con khỉ đã được cấy điện cực vào não để kiểm soát các chuyển động tay. Hai chú khỉ có thể di chuyển con trỏ chuột máy tính theo nhiều hướng trên một bảng được kẻ ô. Bằng cách suy nghĩ về việc tiến lên trước hay lùi lại, bên trái hay bên phải, tấm bảng sẽ biểu diễn những chữ cái có trong alphabet. Khi một hình vuông trên màn hình máy tính sáng lên, con khỉ có thể di chuyển con trỏ chuột về phía hình vuông và sử dụng bộ não của chúng để ám chỉ từ muốn chọn. Cứ thế từng từ một được chọn, và tác phẩm của Shakespeare và các bài báo đều được sao chép một cách hoàn thiện.

Krishna Shenoy – giáo sư ngành Kĩ sư điện ở Trường đại học Standford và đồng nghiệp Paul Nuyujukian nói: "Một mô hình sớm hơn của thiết bị đã được thử nghiệm thành công trên người bị bại liệt, tuy nhiên tốc độ đánh máy còn chậm và thiếu chính xác". Giáo sư lạc quan rằng vấn đề đó đã được giải quyết bằng những phần mềm máy tính cực kì thông minh. Chúng có thể xử lí rất tốt các tín hiệu được bộ não tạo ra.

Ông Nuyujukian phát biểu: "Những kết quả của chúng tôi chứng minh một điều, giao diện này có tiềm năng rất lớn trong việc áp dụng vào hoạt động của con người. Nó cho phép người bại liệt đánh máy và tạo ra các đoạn hội thoại hoàn chỉnh và có thể hiểu được".

Những phương pháp khác giúp người bị mắc chứng rối loạn hành động giao tiếp với thế giới liên quan đến việc theo dõi chuyển động mắt. Nhà vật lý bại liệt nổi tiếng Stephen Hawking đã sử dụng các chuyển động của các múi cơ trên gương mặt để tiến hành gõ chữ. Nhưng phương pháp này có những điểm hạn chế nhất định, vì việc kiểm soát cơ mặt có thể gây khó khăn cho nhiều người.

Giao diện của hệ thống đọc trực tiếp tín hiệu từ não.
Giao diện của hệ thống đọc trực tiếp tín hiệu từ não. (Ảnh: ĐH Stanford).

Stephen Hawking không thể sử dụng phần mềm theo dõi chuyển động mắt vì mí mắt của ông bị sụp xuống. Hơn nữa công nghệ này cũng được chứng minh là gây mệt mỏi cho một số người sử dụng. Vì vậy, phương pháp đọc trực tiếp những tín hiệu từ não bộ sẽ là cách hiệu quả hơn để người bại liệt truyền tải suy nghĩ và cảm xúc của mình. Ông Nuyujukian nói thêm: "Hệ thống của chúng tôi chính xác là những gì mà con người sẽ sử dụng. Việc trước giờ chúng ta không bao giờ tính toán được tốc độ đánh máy đã lùi vào dĩ vãng".

Tốc độ gõ 12 từ/phút của những con khỉ có thể được tăng lên bằng cách sử dụng công nghệ chạy trên điện thoại thông minh. Ngoài việc chứng tỏ tính khả thi của công nghệ đọc tín hiệu trực tiếp từ não, nghiên cứu này còn cho thấy cảm biến được cấy vào bộ não có thể hoạt động ổn định trong vài năm. Các động vật được thử nghiệm với công nghệ mới với việc cấy ghép này không hề có biến chứng về sau.

Vào năm 2011, một nhóm các con khỉ đã hoàn thành việc viết lại các tác phẩm của Shakespeare. Tuy chúng chỉ là những con khỉ ảo nhưng chúng được lên chương trình bằng các thuật toán để có thể làm việc chăm chỉ như một người đánh máy thật. Những con khỉ phần mềm này đánh máy các đoạn văn một cách ngẫu nhiên.

Các nhà khoa học cho biết rằng, những con khỉ này đã hoàn thành đến 99.9% tác phẩm của Shakespeare cho dù không được đúng trật tự cho lắm. Bài thơ đầu tiên được viết xong là bài Lời than phiền của người yêu.

Cập nhật: 15/09/2016 Theo khampha
  • 613