Khí quyển trên hành tinh kim cương

  •  
  • 4.071

Sử dụng kỹ thuật mới dựa trên dữ liệu thu được từ kính thiên văn Hubble, một nhóm nhà khoa học châu Âu đã tìm hiểu các chất tồn tại trong bầu khí quyển bao quanh hành tinh 55 Cancri e.

Theo Time, hành tinh này được mệnh danh là hành tinh kim cương bởi dựa trên mô hình ước đoán về khối lượng và bán kính của nó, các nhà khoa học cho rằng đó là một hành tinh giàu carbon.

Dựa trên dữ liệu từ kính thiên văn Hubble, các nhà nghiên cứu ở đại học College London (UCL) đã tìm thấy bằng chứng xuất hiện hydro và helium trong bầu khí quyển của 55 Cancri e, nhưng không có nước.

"Kết quả thu được rất thú vị, vì đây là lần đầu chúng ta có thể phát hiện dấu vết quang phổ cho thấy tồn tại các chất khí trong bầu khí quyển của một siêu Trái Đất", Angelos Tsiaras, một nghiên cứu sinh sau tiến sỹ ở UCL, người đã phát triển kỹ thuật phân tích cùng với đồng nghiệp là Tiến sỹ Ingo Waldmann và Marco Rocchetto tại khoa Vật lý Thiên văn, cho biết.

Siêu Trái Đất là tên gọi phổ biến đối với những hành tinh cùng thiên hà với địa cầu nhưng có khối lượng lớn hơn nhiều lần Trái Đất, tuy nhiên vẫn nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ trong hệ Mặt Trời.

55 Cancri e là một siêu Trái Đất vì nó là một hành tinh đá có kích cỡ gấp đôi và khối lượng gấp 8 lần Trái Đất.
55 Cancri e là một siêu Trái Đất vì nó là một hành tinh đá có kích cỡ gấp đôi và khối lượng gấp 8 lần Trái Đất.

55 Cancri e là một siêu Trái Đất vì nó là một hành tinh đá có kích cỡ gấp đôi và khối lượng gấp 8 lần Trái Đất. Nó là một trong 5 hành tinh quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời trong chòm sao Cancer, cách Trái Đất khoảng 40 năm ánh sáng. Tuy nhiên, hành tinh này không tự xoay quanh trục nên ở đó không có ngày đêm. Một năm của nó chỉ kéo dài 18 giờ Trái Đất, và nhiệt độ bề mặt khoảng 2.000 độ C.

"Giờ đây, chúng ta đã có đầu mối cho thấy hành tinh đó có ngoại hình như thế nào, hình thành và phát triển ra sao, điều này có ý nghĩa cho việc tìm hiểu 55 Cancri e và những siêu Trái Đất khác", Giáo sư Giovanna Tinetti của UCL cho biết.

Các nhà khoa học cũng phát hiện dấu vết của hydro cyanide, yếu tố tạo nên bầu khí quyển giàu carbon.

"Một lượng hydro cyanide lớn như vậy cho thấy bầu khí quyển có tỷ lệ carbon và oxy cao", Tiến sỹ Olivia Venot, đại học KU Leuven, Bỉ, người phát triển mô hình các chất hóa học cấu tạo bầu khí quyển của 55 Cancri e, cho biết.

"Trong vài năm tới, có lẽ những thế hệ kính thiên văn hồng ngoại mới sẽ xác nhận sự hiện diện của hydro cyanide và những phân tử khác, và củng cố lý thuyết cho rằng hành tinh này rất giàu carbon", Giáo sư Jonathan Tennyson của UCL nói.

"Mặc dù vậy, hydro cyanide hay còn gọi là axit xianhidric này có độc tính cao. Đó không phải là hành tinh nơi tôi muốn sống", ông Tennyson hài hước nói.

Cập nhật: 18/02/2016 Theo VnExpress
  • 4.071