Khoa học lý giải sự khác biệt giữa người và động vật

  •   3,99
  • 28.984

Chúng ta thường cho rằng con người là thực thể cao nhất, hoặc chí ít là tách biệt, so với mọi loài vật trên hành tinh. Nhưng thực tế là mỗi loài vật đều đặc biệt và con người cũng không ngoại lệ. Vậy tại sao con người thống trị động vật? Bằng những luận cứ khoa học, Giáo sư tâm lý học Thomas Suddendorf thuộc Ðại học Queensland (Úc) đã lý giải rõ vấn đề này, thông qua cuốn sách mới nhất của ông mang tên "The Gap: The Science of What Separates Us From Other Animals" (tạm dịch: Khoa học về Sự khác biệt giữa Con người và Ðộng vật).

Những khác biệt về thể chất phân biệt con người với những "họ hàng" gần gũi nhất là gì? Theo Giáo sư Suddendorf, cũng là một học giả thuộc Hiệp hội Khoa học Tâm lý – một tổ chức quốc tế, cơ thể chúng ta có nhiều điểm khác biệt so với các loài vượn và tinh tinh.

Theo đó, con người có thể duỗi thẳng đầu gối, có đôi chân dài hơn đôi tay, đặc biệt là khả năng đứng thẳng, giúp giải phóng đôi tay để làm những việc khác chứ không phải dùng nâng đỡ cơ thể như vượn và tinh tinh. Về phần mặt, răng nanh ở người bị thoái hóa nhưng có thêm bộ phận được gọi là cằm. Riêng tròng mắt con người tương đối nhỏ và bao quanh bởi vòng trắng, giúp chúng ta dễ dàng xác định hướng nhìn của người khác. Ngoài ra, cơ thể người được bao phủ bởi tuyến mồ hôi hoạt động như hệ thống làm mát hiệu quả hơn so với các loài linh trưởng khác.

Khoa học lý giải sự khác biệt giữa người và động vật
Tinh tinh là loài có gần 99% ADN giống với con người. (Ảnh: Getty Image)

Sự khác biệt về thể chất nói trên tính ra không có gì đột phá so với việc loài chim tiến hóa thêm đôi cánh để thích nghi với cuộc sống. Vì vậy, người ta nghĩ rằng lý do chúng ta thống lĩnh hành tinh là vì có bộ não lớn hơn.

Phải chăng loài người sở hữu bộ não lớn nhất? Câu trả lời là không. Bộ não chúng ta trung bình nặng từ 1,25-1,45kg, trong khi não của voi nặng 4kg và não cá voi nặng khoảng 9kg. Xét về tỷ lệ, não người chiếm 2% trọng lượng cơ thể (dù tiêu thụ tới 25% nguồn năng lượng), trong khi não của voi và cá voi chiếm chưa tới 1% thể trọng. Tuy nhiên, nếu dựa vào kích thước não tương đối (tỷ lệ não so với thể trọng) để đánh giá con người ưu việt hơn động vật cũng không đúng, bởi chuột chù và chuột có kích thước não tương đối lớn gấp 5 lần chúng ta. Điều này chứng tỏ kích thước não không quyết định.

Vậy những khác biệt nào cho phép chúng ta trở thành sinh vật làm chủ Trái đất? Trong cuốn sách, Giáo sư Suddendorf cho biết ông tiến hành xem xét các đề xuất phổ biến nhất cho thấy chúng ta nổi trội hơn động vật, gồm: ngôn ngữ, khả năng dự đoán, trực giác và trí tuệ, văn hóa và đạo đức. Mặc dù nhiều loài vật, đặc biệt là những động vật có họ hàng với chúng ta, cũng có một số khả năng đặc biệt trong các lĩnh vực này nhưng ông nhận thấy khả năng của con người là đặc biệt hơn cả khi xét trong từng bối cảnh và trên một số khía cạnh.

Cụ thể hơn, ở người xuất hiện hai tính năng rất quan trọng: mong muốn trao đổi suy nghĩ lẫn nhau và khả năng suy xét, chọn lựa giữa những tình huống có lợi nhất. Mặt khác, con người dựa vào phương thức linh hoạt để kiểm soát hành vi thông qua tư duy thông minh. Chúng ta vừa có khả năng hồi tưởng lại vừa tưởng tượng, suy xét về những gì đã xảy ra hoặc dự báo diễn biến trong tương lai, từ đó tìm ra phương thức tối ưu nhất, khiến chúng ta có lợi thế hơn so với những sinh vật khác kém về khả năng dự báo.

Nhưng tại sao chỉ có loài người thống trị thế giới?

Nếu những đặc điểm trên hữu ích như vậy, bạn có thể tự hỏi tại sao các sinh vật khác không phát triển như loài người. Theo tác giả, khác biệt giữa con người và các sinh vật khác trước đây không quá cách xa như ngày nay. Chẳng hạn cách đây 40.000 năm, chúng ta cùng chia sẻ hành tinh này với nhiều loại người tiền sử thông minh, có dáng đi thẳng và biết sử dụng công cụ bằng đá như người Neanderthal, Denisovan và người lùn ở đảo Flore (Indonesia). Nhưng chính quyền hạn đặc biệt không bắt nguồn từ cơ bắp mà xuất phát từ tinh thần tập thể và trí tuệ, bao gồm phát triển khả năng ngôn ngữ và trí khôn sinh tồn, đã giúp con người tồn tại và tiến hóa. Trong khi các loài vật khác thường đối mặt với nguy cơ diệt vong (một phần do tổ tiên chúng ta gây ra), con người vẫn phát triển, tạo ra nền văn minh và những công nghệ mà dựa vào đó, chúng ta đã cùng nhau thay đổi bộ mặt của Trái đất.

Cập nhật: 14/06/2017 Theo Báo Cần Thơ, CNN, Discovery-zone
  • 3,99
  • 28.984