Khói bồ kết có thể chống cúm gia cầm

  •  
  • 1.066

Tại một số tỉnh đã có kinh nghiệm dùng bồ kết chữa bệnh cho vật nuôi. Biện pháp phòng, chống cúm gia cầm bằng phương pháp xông khói bồ kết có cơ sở khoa học.

Người dân địa phương thường đốt bồ kết xông khói để giúp chống suy giảm hô hấp, khó thở. Khói bồ kết còn giúp làm sạch môi trường.

Trong quả bồ kết có hoạt chất saponin, men peroxydaza và một số hoạt chất khác, có tác dụng chống suy giảm hô hấp, khó thở, đây là dấu hiệu bệnh lý trầm trọng nhất của căn bệnh viêm phổi cấp tính do virus (cúm gia cầm).

Bồ kết, bài thuốc chống cúm trong nhà

Theo giáo sư - dược sĩ Đỗ Tất Lợi, bồ kết (tên khoa học là Gleditschiaaustralis - Hems, thuộc họ Vang - Caesalpiniaceae) thường được nhân dân chế nước gội đầu và làm thuốc từ lâu đời. Một số bệnh viện đã dùng bồ kết để thông khoan, chữa bí đại tiện, thông trung tiện sau khi mổ, chữa tắc ruột. Bột bồ kết có tác dụng thông khiếu, tiêu đờm, sát trùng, làm cho hắt hơi, chữa ho, chữa đau răng, chữa chốc đầu trẻ em, lỵ lâu ngày, sưng vú ở phụ nữ...

Hạt bồ kết có tác dụng thông đại tiện, chữa mụn nhọt. Nông dân thường dùng bồ kết chữa bệnh cho vật nuôi. Khi trâu, bò, gà, lợn chết hàng loạt, bà con đã xông khói bồ kết liên tục nhiều ngày đêm, bằng cách đốt các đống trấu lớn, thỉnh thoảng ném vài quả bồ kết vào, bồ kết cháy âm ỉ, khói tỏa ra, bay vào chuồng nuôi, gia cầm gia súc hít thở khói đó sẽ phòng được bệnh dịch.

Trong quả bồ kết có hoạt chất saponin, men peroxydaza và một số hoạt chất khác. Theo các nhà khoa học, từ kinh nghiệm cổ truyền của nhân dân ta và những kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Bồ kết và các hoạt chất của nó có tác dụng chống vi khuẩn, vi-rus ngay trên cửa ngõ xâm nhập vào đường hô hấp.

Phương pháp đốt bồ kết xông khói âm ỉ, liên tục, giúp saponin và các hợp chất khác thăng hoa, lẫn trong khói, lan tỏa vào đường hô hấp, bám đọng vào niêm mạc và phát huy tác dụng chống mầm bệnh. Khói bồ kết giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó, đây là dấu hiệu bệnh lý trầm trọng nhất của căn bệnh viêm phổi cấp tính do vi-rus. Các nhóm flavonozid có trong bồ kết tham gia bảo vệ thành mao mạch, duy trì sự bền vững của mao mạch, hạn chế xuất huyết...

Theo phó giáo sư Phạm Khắc Kiều và tiến sĩ Bùi Thị Tho, bộ môn Dược lý trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội: Bồ kết và các loại hoạt chất của nó có tác dụng, chống suy giảm hô hấp, khó thở - đây là dấu hiệu bệnh lý trầm trọng nhất của căn bệnh viêm phổi cấp tính do virus H5N1 (cúm gia cầm) gây nên và làm gia cầm mắc bệnh chết nhanh vì suy hô hấp. Saponin có mặt ở niêm mạc đường hô hấp từ khói bồ kết đưa vào, sẽ kích thích các đầu mút thần kinh cảm giác, thông qua đó kích thích trung khu hô hấp giúp cải thiện hô hấp cho con vật.

Mặt khác saponin có tác dụng kích thích các tuyến ở niêm mạc đường hô hấp tăng tiết dịch, pha loãng đờm rãi, kích thích con vật hắt hơi, khẹc mũi, dễ dàng tống đờm rãi ra ngoài, làm thông thoáng đường hô hấp, giúp con vật hô hấp thuận lợi. Đây là một biện pháp rẻ tiền, đơn giản, dễ thực hiện, người nông dân nuôi và nhỏ lẻ hoặc các trang trại lớn đều có thể thực hiện được. Biện pháp này không những tác động vào con gà, mà còn có tác dụng làm cho môi trường trong lành.

GIáo sư - tiến sĩ Vũ Hoan, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cho biết, cùng với việc tiêm vaccine phòng bệnh cho gia cầm, phun các hóa chất làm sạch môi trường, các địa phương nên kết hợp với xông khói bồ kết bảo vệ đàn gia cầm, làm sạch môi trường.

Theo Nhân dân
  • 1.066