Khối bụi khổng lồ bay hơn 3.200km trên biển

  •  
  • 856

Lượng lớn cát bụi từ sa mạc châu Phi được gió cuốn qua Đại Tây Dương, góp phần tạo nên các bãi biển và làm đất màu mỡ.

Vệ tinh Suomi NPP chụp ảnh khối bụi Sahara màu nâu nhạt bay trên Bắc Đại Tây Dương hôm 18/6. Hình ảnh cho thấy bụi từ bờ biển phía tây châu Phi lan tới gần nhóm đảo Lesser Antilles, vượt qua quãng đường hơn 3.200km.

Khối bụi khổng lồ bay từ bờ biển châu Phi qua Đại Tây Dương.
Khối bụi khổng lồ bay từ bờ biển châu Phi qua Đại Tây Dương. (Ảnh: NASA).

Colin Seftor, nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm Bay vũ trụ Goddard thuộc NASA, tạo video về sự di chuyển của các hạt bụi và aerosol. "Video gồm những hình ảnh từ ngày 13 đến 18/6, cho thấy đám mây bụi Sahara khổng lồ hình thành do những luồng khí mạnh bốc lên cao, sau đó được gió tây tiếp tục mang đi. Gió đang thổi chúng qua Đại Tây Dương, cuối cùng sẽ đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ", Seftor nói.

Mỗi năm, hàng trăm triệu tấn bụi được cuốn lên từ các sa mạc châu Phi và thổi qua Đại Tây Dương. Chúng góp phần tạo nên những bãi biển ở Caribbean và làm đất ở Amazon thêm màu mỡ. Lượng bụi này cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng không khí ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

NASA đang nghiên cứu sự tham gia của bụi châu Phi trong quá trình bão nhiệt đới hình thành. Năm 2013, một trong những mục đích của chương trình HS3 do cơ quan này tiến hành là tìm hiểu vai trò của Tầng không khí Sahara (SAL) khô, nóng và đầy bụi trong việc bão nhiệt đới hình thành và mạnh lên.

Suomi NPP là bước đầu giúp NASA xây dựng hệ thống vệ tinh quan sát Trái Đất thế hệ mới với nhiệm vụ thu thập dữ liệu về biến đổi khí hậu trong dài hạn và các điều kiện thời tiết ngắn hạn. NASA, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Bộ Quốc phòng Mỹ, hợp tác phát triển vệ tinh này.

Cập nhật: 22/06/2020 Theo VnExpress
  • 856