Khối đá rộng 150km2 trôi nổi trên mặt biển Thái Bình Dương

  •  
  • 1.549

Khối đá bọt khổng lồ hình thành sau vụ phun trào núi lửa dưới nước gần Tonga và sẽ trôi tới ven biển Australia trong 7 - 12 tháng nữa.

Khối đá bọt rộng ngang thành phố Paris của Pháp bao phủ vùng biển xung quanh tàu của cặp đôi người Australia Michael Hoult và Larissa Brill hôm 9/8. Số đá bọt này được cho là kết quả của vụ phun trào núi lửa dưới biển sâu gần quần đảo Tonga ở Nam Thái Bình Dương. Đá bọt hình thành khi dung nham tiếp xúc với nước. Khi dung nham nguội dần, nó tạo ra đá chứa nhiều bọt khí bên trong, nhờ đó loại đá này có thể trôi nổi trên mặt nước.

Đá bọt tập trung với số lượng lớn kiểu này thường được gọi là bè đá bọt do những khối đá tụ lại tạo thành một khối lớn trôi dập dềnh. Khối đá bọt đang trôi về phía vùng ven biển Australia lớn đến mức có thể theo dõi bằng vệ tinh.

"Bơi qua biển đá nổi thực sự là một trải nghiệm kỳ lạ. Bạn không còn trông thấy nước nữa và chỉ nghe tiếng cọ xát của đá bọt vào mạn tàu", phó giáo sư Scott Bryan, nhà địa chất học ở Đại học Công nghệ Queensland, cho biết.

Michael Hoult quan sát những viên đá bọt.
Michael Hoult quan sát những viên đá bọt. (Ảnh: CNN).

Khối đá bọt có thể mắc cạn ở ven biển Australia trong 7 - 12 tháng nữa và mang theo nhiều tổ chức sinh vật biển. "Trên khối đá bọt rộng hơn 150km2 này, có hàng tỷ tới hàng nghìn tỷ mẩu đá trôi nổi, mỗi mẩu đá lại trở thành phương tiện cho tổ chức sinh vật biển nào đó. Khi tới ven biển Australia, bè đá bọt sẽ bao phủ bởi các tổ chức sinh vật như tảo, hàu, san hô, cua, ốc sên và giun", Bryan cho biết.

Hiện tượng xảy ra khoảng 5 năm một lần và có thể giúp tái tạo môi trường. Tuy nhiên, bè đá bọt có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền, do đó các thuyền trưởng thường tránh chạy qua chúng.

Cập nhật: 26/08/2019 Theo VnExpress
  • 1.549