Ngay từ khi mới xuất hiện, một trong những nhiệm vụ chính của các ninja là do thám. Để làm được việc này, họ không ngại cải trang trà trộn vào đám đông, thậm chí bất chấp nguy hiểm xông vào nơi ở của nguồn tin để lấy cho bằng được thứ mình muốn.
Tuy nhiên, sau khi thành công trong việc đánh cắp thông tin, các ninja sẽ phải chuyển thông tin đó về. Thời bấy giờ không hề tồn tại điện tín, thư điện tử hay điện thoại. Vậy, các ninja sẽ làm thế nào? Trên thực tế, họ đã phát triển một số cách thức để chuyển thông tin trên những khoảng cách xa được gọi là Dentatsu-Jutsu.
Mục tiêu cuối cùng của Dentasu-Jutsu là gửi tín hiệu cho các đồng đội. Không cần phải nói cũng biết rằng trong những trường hợp như vậy họ sẽ phải “mã hóa” thông tin để chỉ những người trong nhóm mới hiểu được ý nghĩa của các tín hiệu.
Để làm được như vậy, các ninja sẽ sử dụng các công cụ khơi dậy thính giác và thị giác. Ví dụ, trong trường hợp chiến đấu trên chiến trường, họ có thể sử dụng trống và chuông, phát ra những âm thanh tông thấp, đủ để các đồng đội nghe được dù đang ở nơi ồn ào. Còn khi gặp phải những trận đấu trên biển, các ninja sẽ sử dụng cồng chiêng làm công cụ phát đi tín hiệu.
Vỏ ốc xà cừ là công cụ hữu hiệu để các ninja chuyển tin về.
Theo nhiều ghi chép để lại, các ninja thời xưa thường cải trang thành những tu sỹ ở trên núi. Trong trường hợp này, khi cần chuyển thông tin, các ninja sẽ sử dụng vỏ ốc xà cừ để thổi. Khi đó, các ninja sẽ đi theo chiều gió trên một con đường ở trên núi và thổi ra những âm thanh theo các quy ước sẵn có để đồng đội của họ khi tiếp nhận thông tin có thể hiểu được.
Ngoài ra, những hạt gạo được nhuộm với 5 màu khác nhau hay những sợi dây thừng, nhánh cây qua sự sắp đặt và thỏa ước của các riêng các ninja với nhau cũng trở thành những công cụ truyền tin hữu hiệu. Việc sử dụng kết hợp những công cụ tưởng chừng như “vô tri vô giác” như trên đã giúp các ninja có thể biểu đạt được rất nhiều thông tin khi cần thiết.
Trong trường hợp có nhiều ninja cùng phối hợp để truyền tải các thông tin quan trọng từ những nơi xa, họ thường sử dụng Semaphore – hệ thống tin tín hiệu bằng cách đặt tay hoặc hai lá cờ theo một vị trí nào đó nhằm biểu thị các con chữ của vần chữ cái để truyền tin.
Phương pháp truyền tin này được gọi là Mekiki-no-Koto. Theo phương pháp truyền tin độc đáo này, một ninja sẽ trèo lên đỉnh một ngọn đồi và dùng 2 ngọn cờ được cầm ở 2 bàn tay để gửi thông điệp cho các ninja khác cũng đang đứng ở trên một ngọn đồi khác.
Ninja thứ 2 sau khi nhận được tin từ ninja thứ nhất sẽ tiếp tục truyền lại mật mã cho ninja thứ 3 theo cùng cách thức. Cứ như vậy, việc truyền tin sẽ được thực hiện cho đến khi thông tin đến được nơi cần đến. Trong trường hợp này, thông tin sẽ được chuyển đi xa đến đâu sẽ phụ thuộc vào số lượng ninja.
Ở phương pháp truyền tin này, rất nhiều thông tin có thể được chuyển đi bằng sự kết hợp nhất định giữa 2 lá cờ và những động tác cơ thể của người gửi tin, tương tự như hệ thống tín hiệu Morse.
Thực tế phương pháp này có thể giúp các ninja chuyển tải hơn 100 nội dung cho đồng đội. Bên cạnh đó, cả người nhận và người gửi sẽ có thể trao đổi thông tin qua lại với nhau.
Phương pháp truyền tin này được cho là khá phổ biến trong thời Edo. Tuy nhiên, với nhiều ninja có thân pháp cao, họ hoàn toàn có thể truyền thông tin nhanh hơn bằng cách chạy thẳng về nhà.
Việc áp dụng hệ thống tin hiệu để truyền tin Semaphore chỉ có thể áp dụng vào ban ngày vì chỉ khi đó các ninja mới nhìn được tín hiệu của nhau. Còn khi đêm xuống, những khu vực đồi núi sẽ chìm vào bóng đêm, ngay cả các ninja dù tinh mắt đến đâu cũng không thể nhìn thấy những lá cờ hay sự chuyển động cơ thể của đồng đội.
Khi đó, các ninja sẽ chuyển tin mật bằng cách sử dụng một thứ vũ khí có tên gando, đóng vai trò như một chiếc đèn pin. Các ninja là bậc thầy về sử dụng vũ khí và họ đều là những chuyên gia về sáng tạo, vậy nên trong trường hợp này, họ thường sử dụng ánh sáng cùng với một bộ mã hiệu để truyền tin.
Thêm vào đó, các ninja cũng sử dụng các hệ thống đèn hiệu như một cách thức hiệu quả để truyền tin.
Trong tiếng Nhật, đèn hiệu được gọi là “noroshi” còn bản thân từ noroshi có nghĩa là khói của những con sói. Sở dĩ có tên như vậy là do phân của những con sói thường được dùng làm nhiên liệu để tạo khói, dựa trên đặc điểm phân chó sói Nhật khi đốt sẽ tạo khói bốc thẳng lên trời.
Vào ban ngày hay buổi tối, có rất nhiều nhà đốt lửa để nấu cơm hay sưởi ấm. Tuy nhiên, khói bốc ra từ những ngôi nhà như vậy thường theo một góc nghiêng. Vì vậy khói từ phân chó sói trở nên rất hữu dụng trong việc tạo tín hiệu vì khói đó sẽ bốc lên theo chiều thẳng đứng.
Việc sử dụng khói này thường có hiệu quả trong phạm vi từ 40 đến 80km, tức xa hơn nhiều so với hệ thống tín hiệu semaphore.
Tuy nhiên, so với semaphore, điểm yếu của phương thức truyền tin này là rất nhiều thông tin không thể truyền đi được và các tín hiệu luôn là thông tin một chiều. Hiện nay, chó sói Nhật Bản cũng đã tuyệt chủng nên việc tái hiện phương pháp truyền tin này cũng khó có thể thực hiện.
Warifu là một bảng gỗ nhỏ được cắt thành 2 phần bằng nhau.
Dù các ninja đã thành công trong việc đánh cắp tin mật từ kẻ thù nhưng việc trao đổi thông tin sẽ chỉ được xem là hoàn tất khi thông tin đến được với vị lãnh chúa mà ninja phục vụ. Song, kể cả khi tin đã đến nơi cần đến thì vẫn ẩn chứa một vấn đề, đó là khả năng các ninja đã trao đổi thông tin mà đối thủ cài cắm.
Việc này thường xảy ra trong thời Chiến quốc, khi các lãnh chúa Daimyo cố tình chuyển tin giả cho các Daimyo đối thủ. Trong trường hợp này, các ninja dưới trướng của một lãnh chúa bị sát hại và một ninja của phe đối thủ sẽ được cử trà trộn vào làm người thay thế cho ninja đã bị tiêu diệt để truyền đi tín hiệu giả. Do đó, việc xác minh danh tính là không thể thiếu với các ninja.
Để xác minh thông tin, các ninja sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có phương pháp xác nhận danh tính có tên “Warifu”. Warifu là một bảng gỗ nhỏ được cắt thành 2 phần bằng nhau. Trên mặt của một Warifu, người ta viết lên một chữ cái nào đó trước khi tách nó ra làm đôi.
Mỗi ninja sẽ giữ một mảnh Warifu bên mình, khi gặp nhau, họ cần chìa 1 nửa Warifu ra để chứng minh thân phận. Đây là cách thức rất đơn giản để xác minh nhận dạng và cũng rất hiệu quả nên được sử dụng rộng rãi không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở Trung Quốc, châu Âu.
Hệ thống mật khẩu xác thực từ xa xưa đã là cách thức được sử dụng để nhận dạng.
Hiện nay, máy tính hay các trang web, các thiết bị cầm tay mà chúng ta sử dụng bảo vệ thông tin cá nhân của chúng ta bằng mật khẩu. Ở thời chiến tranh, người ta cũng xác định đồng đội bằng những hệ thống mật khẩu. Các ninja cũng không phải là đối tượng loại trừ. Có rất nhiều phương thức sử dụng mật khẩu được các ninja áp dụng.
Cùng với đó, các ninja còn phát minh ra nhiều cách thức để xác minh nhận dạng của đồng đội, ví dụ như đặt ra những “mật khẩu” để nhận ra nhau.
Ví dụ, khi đang trong vòng vây của kẻ thù, nếu phát hiện ninja khác có vẻ như cùng phe, các ninja sẽ đọc ra một chữ nào đó, nếu ninja kia trả lời đúng từ quy ước từ trước, họ có thể nhận ra nhau để tránh đối đầu đẫm máu. Mật khẩu được các ninja sử dụng thường là những từ có liên quan đến tự nhiên, hay từ ghép của những từ đặc biệt nào đó được sử dụng trong nhóm của họ…