Số lượng bão tăng sẽ là một trong những tác dụng phụ của các nỗ lực làm sạch bầu không khí, các nhà khí tượng khẳng định.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, số lượng bão nhiệt đới tại châu Mỹ và vùng biển Caribbean tăng từ thập niên 80 tới nay. Xu hướng tương tự cũng diễn ra trên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Để tìm hiểu nguyên nhân, các chuyên gia của Cơ quan Khí tượng Anh đã lập mô hình trên máy tính để tìm hiểu mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm không khí với số lượng bão ở phía trên Đại Tây Dương, Livescience đưa tin.
Một trận bão hình thành trên Đại Tây Dương và đổ vào Mỹ. (Ảnh: inc.com)
“Từ khi các nước thực hiện hàng loạt biện pháp nhăm làm sạch không khí trong thập niên 80, mật độ hạt bụi siêu nhỏ phía trên Đại Tây Dương đã giảm. Các mô hình của chúng tôi cho thấy tình trạng đó khiến số lượng bão tăng”, tiến sĩ Nick Dunstone, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu.
Theo nhóm nghiên cứu, những hạt bụi siêu nhỏ trong không khí khiến các đám mây trở nên sáng hơn. Độ sáng của mây càng cao thì lượng ánh sáng mặt trời mà chúng phản chiếu càng lớn. Lượng ánh sáng mặt trời bị phản chiếu càng lớn thì nhiệt độ bề mặt đại dương càng giảm.
Một số nghiên cứu trước đây chứng minh nhiệt độ trên bề mặt đại dương càng cao thì các cơn bão càng mạnh và số lượng bão càng tăng. Như vậy, không khí càng sạch thì mật độ hạt bụi càng thấp, đồng nghĩa với việc bão tăng cả về số lượng lẫn sức mạnh.
Bão hình thành phía trên các vùng nước ấm trên đại dương. Chúng có thể trải dài trên một khu vực có chiều rộng tới 1.000km và đạt tốc độ tới 320km/h. Trong phần lớn thế kỷ 20, tình trạng ô nhiễm không khí đã tạo ra những điều kiện bất lợi cho sự hình thành của bão, khiến số lượng bão giảm.
Song từ thập niên 80, không khí ở phía trên Đại Tây Dương trở nên sạch hơn. Tình trạng ấy đã tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho sự hình thành của bão, nhóm nghiên cứu lập luận.