Không khí Hà Nội ô nhiễm đứng thứ 3 trên thế giới trong sáng nay

  •  
  • 260

Sáng nay (14/9), theo thang bảng đo chỉ số ô nhiễm không khí IQAir, Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao thứ 3 thế giới với chỉ số AQI trung bình ở mức 164.

Tại thời điểm 9h sáng 14/9, trên ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội ô nhiễm khá nghiêm trọng. Trong đó, địa điểm có chỉ số cao nhất là Ngọc Thụy (quận Long Biên) 227, đường Lê Văn Lương 207, đây đều là những mức cảnh báo màu tím – cực kỳ nguy hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, khu vực trường Đại học Ngoại ngữ là 158, Bệnh viện E là 182, Nhân Chính 151, Vĩnh Hồ 192, Giảng Võ 186, Học viện Tài Chính 157… là những điểm cảnh báo ô nhiễm không khí mức nguy hại.

Các tỉnh, thành phố gần với Hà Nội về phía Đông cũng có tình trạng chất lượng không khí rất xấu. Chỉ số AQI ở Bắc Ninh là 190 (điểm ở TT Hồ lên tới 199) , Bắc Giang 171, Hải Dương 158…

Bản đồ chất lượng không khí theo thời gian thực của AirVisual.
Bản đồ chất lượng không khí theo thời gian thực của AirVisual.

Ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ), Hà Nội đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng ô nhiễm không khí của các thành phố lớn trên thế giới. Dubai (các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) và Lahore (Pakixtan) lần lượt đứng thứ 1 và 2 về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI là 181 và 177. Hà Nội có chỉ số AQI 164, đứng thứ 3 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí, trên cả thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc).

Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận cả 2 điểm quan trắc tại Hà Nội đều ô nhiễm. Trong đó, điểm 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) không khí ô nhiễm ở mức đỏ - những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Điểm Chi cục Bảo vệ môi trường (quận Đống Đa) ở mức cam.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi không khí ô nhiễm, nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài. Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời.

Người dân tốt nhất nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh, nếu thật sự cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Trước đó, để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Cũng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong năm 2022; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn.

Cập nhật: 14/09/2022 kinhtemoitruong
  • 260