Không nên lạm dụng việc thay khớp gối nhân tạo!

  •  
  • 382

Khớp gối đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển động của cơ thể. Khi khớp còn khỏe và hoạt động tốt, người ta có xu hướng không chú ý đến tầm quan trọng của nó. Thế nhưng, khi đã bị hỏng, khớp trở nên cứng nhắc sẽ hạn chế nhiều hoạt động và gây nên những cơn đau đớn khiến cuộc sống của người bệnh gần như tàn phế.

Theo số liệu báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 8 người ở độ tuổi từ 18-79 sẽ có 1 người mắc các căn bệnh liên quan đến khớp gối. Các bệnh lý ở khớp gối do nhiều nguyên nhân gây ra như béo phì, lao động - khuân vác nặng, rối loạn cơ học của khớp gối (lệch trục chi dưới), lớn tuổi, di truyền… Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng khớp gối bị hỏng do chấn thương trong thể thao hoặc tai nạn giao thông.

Bác sĩ Serge Courtois, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện FV cho hay, có 2 phương pháp điều trị tùy theo giai đoạn của bệnh là điều trị nội và ngoại khoa. Điều trị nội khoa áp dụng cho bệnh ở giai đoạn nhẹ. Điều trị ngoại khoa được áp dụng cho bệnh ở giai đoạn vừa và nặng. Tùy theo bệnh đến giai đoạn nào mà có cách điều trị phù hợp bao gồm nội soi khớp, cắt xương sửa trục, và thay khớp gối nhân tạo, trong đó phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo được chỉ định cho trường hợp nặng nhất.

Theo Bác sĩ Serge Courtois: “Phẫu thuật thay khớp gối được đặt ra trong trường hợp bệnh nhân có khớp gối bị tổn thương, hoặc là do sụn bị mòn, hoặc là do một bệnh lý thấp khớp phá hủy mặt khớp. Sự ăn mòn có thể trên toàn bộ khớp, hoặc chỉ trên một phần của khớp (thường nhất là bên trong), gây ra triệu chứng đau cả khớp gối khi đi và có thể dẫn đến cứng khớp gối. Cả hai triệu chứng này đều gây trở ngại cho sự đi đứng của bệnh nhân. Mục đích của việc thay khớp gối nhân tạo là lấy đi những mặt sụn bị hư và thay thế vào một khớp gối nhân tạo”.

Tuy nhiên, bác sỹ Courtois nhấn mạnh: “Không nên quá lợi dụng việc thay khớp gối khi mức độ đau và biến dạng chưa quá trầm trọng vì tuổi thọ của khớp nhân tạo không phải là vĩnh viễn. Mỗi khớp gối nhân tạo chỉ tồn tại trong vòng 10-15 năm. Để tránh tình trạng phải thay khớp gối lần hai ở những người trẻ tuổi có nhiều nguy cơ hỏng khớp nhân tạo sớm do hoạt động nhiều và thời gian sống lâu, chỉ nên thay khớp ở tuổi 40 trở lên. Chỉ trong trường hợp bệnh quá nặng thì bệnh nhân buộc lòng phải thay khớp mới có thể bảo đảm chức năng vận động của khớp gối, có thể đi lại được”.

Được biết, phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo đã được áp dụng trên 40 năm trên thế giới. Tới nay, có hàng triệu người đã được thay khớp, phục hồi khả năng vận động của cơ thể, giảm hoặc hết đau, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Riêng tại VN, kỹ thuật này mới được áp dụng từ 5 năm trước và hiện có ở một số bệnh viện như FV, Việt Đức, Trung ương quân đội 108, Xanh Pôn và Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM…

Như Quỳnh

Theo VietNamNet
  • 382