“Khủng long sống” tại New Zealand – loài Tuatara – có tốc độ tiến hóa nhanh nhất

  •  
  • 2.233

Trong một cuộc nghiên cứu về loài tuatara, “khủng long sống” của New Zealand, một nhà sinh vật học tiến hóa, chuyên gia ADN cổ đại, giáo sư David Lambert cùng nhóm nghiên cứu của mình thuộc Trung tâm Allan Wilson về sinh thái học và tiến hóa, đã khôi phục lại chuỗi ADN từ xương của những con tuatara cổ đại, khoảng 8000 năm tuổi.

Họ tìm ra rằng, mặc dù tuatara gần như không đổi về ngoại hình trong thời gian tiến hóa rất dài, chúng tiến hóa -- ở cấp độ ADN – nhanh hơn bất cứ loài vật nào đã từng được nghiên cứu. “Những gì chúng tôi tìm được đó là loài tuatara có tốc độ tiến hóa cấp phân tử cao chưa từng thấy”, giáo sư Lambert cho biết. Tốc độ tiến hóa của chim cánh cụt Adélie mà giáo sư Lambert và đồng nghiệp đã nghiên cứu ở Nam Cực cách đây nhiều năm, chậm hơn một chút so với tuatara. Tốc độ tiến hóa của tuatara nhanh hơn đáng kể so với các loài động vật bao gồm gấu hang, sư tử, bò và ngựa.

Tuatara ở New Zealand (Ảnh: iStockphoto/Robyn Grant)

“Loài tuatara làm mọi thứ đều chậm chạp, chúng lớn chậm, sinh sản chậm và trao đổi chất cũng rất chậm, nên chúng tôi cho rằng rất có thể chúng cũng tiến hóa chậm. Nhưng thực tế, ở cấp độ ADN, chúng tiến hóa rất nhanh. Điều này chứng minh một giả thuyết của nhà sinh vật học tiến hóa Allan Wilson, ông cho rằng tốc độ tiến hóa phân tử không đồng đều với tốc độ tiến hóa hình thái."

Allan Wilson là người tiên phong trong việc nghiên cứu sự tiến hóa ở cấp độ phân tử. Những lý thuyết của ông đã gây tranh cãi khi được giới thiệu cách đây 40 năm, nhưng cuộc nghiên cứu này chứng minh cho lý thuyết đó. Giáo sư Lambert cho biết kết quả tìm được sẽ giúp ích cho những nghiên cứu trong tương lai và sự bảo tồn loài tuatara. Cả nhóm đều hy vọng sẽ mở rộng công việc sang nghiên cứu sự tiến hóa của các loài khác.

“Chúng tôi muốn tiếp tục đánh giá tốc độ tiến hóa phân tử ở người, cũng như tiến hành thêm các cuộc nghiên cứu với loài chim moa và cá Nam Cực để xem liệu có phải tốc độ thay đổi ADN là không đồng đều. Có những xác ướp ở Andes và một số vật mẫu ở Siberia nơi chúng tôi cộng tác, vì vậy chúng tôi rất hy vọng sẽ có thể đo được tốc độ tiến hóa ở những động vật đó.”

Loài tuatara, Sphendon punctatus, chỉ có ở New Zealand, là thành viên sống sót duy nhất của loài bò sát đã tuyệt chủng Sphehodontia sống cùng khủng long và đã tách khỏi các loài bò sát khác 200 triệu năm trước trong kỷ Triat.

Tham khảo: Lamber et al: “Sự tiến hóa phân tử nhanh chóng ở động vật cổ xưa” Các nhà nghiên cứu bao gồm Jennifer M. Hay, Sankar Subramanian, Craig D. Millar, Elmira Mohandesan và David M. Lambert, Trends in Genetics. Tháng 3/2008 (http://dx.doi.org/10.1016/j.tig.2007.12.002)

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 2.233