Khủng long tuyệt chủng đã không dẫn đến sự xuất hiện của các loài động vật hữu nhũ ngày nay

  •  
  • 2.220

Cách truy tìm nguồn gốc của tất cả 4.500 loài động vật hữu nhũ trên trái đất hoàn toàn mới mẻ và đầy đủ có tên gọi là “biểu đồ cây về sự sống” cho thấy các loài động vật hữu nhũ này đã không phát triển đa dạng như là một hệ quả của việc loài khủng long bị tuyệt chủng. Đây là nội dung của cuộc nghiên cứu mới đây đã được xuất bản trên tạp chí Nature.

Cuộc nghiên cứu này được tiến hành tại Anh bởi các những nhà nghiên cứu khoa học của trường đại học Imperial College London và Hội động vật học của Luân Đôn (ZSL). Nó phủ nhận lại lý thuyết lâu nay đã được công nhận đó là sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đã làm cho loài khủng long bị tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm và điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều loại động vật hữu nhũ mà chúng ta thấy ngày nay.

Nhóm nghiên cứu quốc tế này đã làm việc hơn một thập niên qua để tổng hợp biểu đồ cây về sự sống từ các mẫu hóa thạch và các phương pháp phân tích phân tử mới. Những mẫu hóa thạch này cho thấy rằng tổ tiên (có cùng gien) của các loài động vật hữu nhũ mà chúng ta thấy ngày nay đã từng tồn tại cách đây 85 triệu năm và chúng đã sống sót qua vụ va chạm của một thiên thạch vào trái đất. Vụ va chạm được cho là đã làm cho loài khủng long tuyệt chủng. Tuy nhiên, trong suốt kỷ phấn trắng (kỷ Creta) lúc mà loài khủng long "lang thang" trên trái đất thì những loài này có số lượng rất ít và những loài này đã không tiến hóa và phát triển đa dạng được trong môi trường sinh thái mà loài khủng long thống trị.

Biểu đồ cây về sự sống
(Ảnh: Olaf R. P. Bininda-Emonds)

Biểu đồ cây về sự sống chỉ ra rằng sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thì một số loài động vật hữu nhũ đã trải qua một thời kỳ tiến hóa và phát triển đa dạng rất nhanh. Tuy nhiên hầu hết những loài này đã hoặc bị tuyệt chủng hoàn toàn, ví dụ như loài Andrewsarchus (một loài bò rất hung hãn có hình dạng giống chó sói), hoặc tính đa dạng của chúng cũng bị giảm dần giống như nhóm bao gồm con lười và con tatu.

Những nhà nghiên cứu này tin rằng tổ tiên của chúng ta và các loài động vật hữu nhũ khác sinh sống trên trái đất hiện nay bắt đầu phân tán vào thời điểm mà nhiệt độ trái đất bắt đầu tăng lên đã xảy ra sau sự tuyệt chủng của loài khủng long 10 triệu năm.

Giáo sư Andy Purvis thuộc khoa sinh học của trường đại học Imperial College London giải thích: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng khoảng từ 10 đến 15 triện năm đầu sau khi loài khủng long bị tuyệt chủng, các loài động vật hữu nhũ ngày nay không có gì là đáng chú ý cả, nhưng những loài động vật hữu nhũ khác thì rất phát triển. Và dường như là việc "ấm dần lên của trái đất" sau này đã ‘kích hoạt’ sự đa dạng của các loài ngày nay chứ không phải là sự tuyệt chủng của loài khủng long.

Phát hiện này sẽ viết lại những hiểu biết của chúng ta về cách mà chúng ta đã tiến hóa trên hành tinh này và nghiên cứu này nhìn tổng thể đã đem lại cho chúng ta một bức tranh cụ thể hơn từ trước đến giờ về chỗ đứng của chúng ta trong tự nhiên.”

Tiến sĩ Kate Jones thuộc Hội động vật học của Luân Đôn nói thêm: “Nghiên cứu này không những cho chúng ta biết rằng sự tuyệt chủng của loài khủng long đã không tạo ra sự tiến hóa của động vật hữu nhũ ngày nay, nó còn cung cấp cho chúng ta thêm nhiều những thông tin thú vị khác. Điều quan trọng là các nhà khoa học sẽ sử dụng kết quả của nghiên cứu này để nghiên cứu và xác định những loài động vật nào sẽ có nguy cơ tuyệt chủng. Lợi ích đem lại cho việc bảo động vật trên toàn cầu là không thể nào kể hết được”.

Cuộc nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên của Hoàng gia Anh (NERC), trung tâm quốc gia (Anh) phân tích và tổng hợp về sinh thái học (NCEAS), Bộ Giáo dục và nghiên cứu của nước cộng hòa liên bang Đức (BMBF), Hội nghiên cứu của Đức, Hội Khoa học quốc gia (NSF), Viện nghiên cứu trái đất tại đại học Columbia và trung tâm nghiên cứu phát triển cơ sở vật chất về tin học hỗ trợ nghiên cứu sự phát sinh loài động vật.

Thế Kiệt

Theo Sciencedaily, Sở KH & CN Đồng Nai
  • 2.220