Kì lạ loài cá có chân biết bò như tôm dưới đáy biển

Loài cá biển có "cánh" giống chim và "chân" giống cua
  •  
  • 932

Có thể ví loài cá này như một kiểu “người máy biến hình” của thế giới động vật. Khi đi dạo dưới đáy biển, chúng sẽ dùng những chiếc chân để bò như tôm. Trong trường hợp cần phải bơi, cặp vây hình đôi cánh sẽ được bung ra ngay lập tức.

Cá chào mào, trông như được tạo thành từ những bộ phận của nhiều con vật khác nhau, có khả năng đi bộ và dò tìm thức ăn rất tốt.

Cá chào mào rất giỏi tìm kiếm con mồi trong lúc đi bộ dưới đáy biển bằng 6 phần phụ giống chân, đến mức một số loài cá khác theo sau chúng để chờ cơ hội kiếm ăn. Đây là kết quả từ hai nghiên cứu mới công bố hôm 26/9 trên tạp chí Current Biology.

Cá chào mào
Cá chào mào có màu sắc đa dạng và sặc sỡ.

Cá chào mào là một họ cá dị biệt xuất hiện ở nhiều vùng biển trên thế giới. Thoạt nhìn, cá chào mào trông khá giống với cá lau kính nhưng có màu sắc đa dạng và sặc sỡ hơn.

Điểm đặc biệt dễ nhận thấy nhất của các thành viên trong họ cá này chính là những chiếc chân ở hai bên hông, thứ giúp chúng bò dưới đáy biển y hệt như tôm. Được biết, cơ quan này trước đây là một phần của vây nhưng sau quá trình tiến hóa, nó đã tách thành một bộ phận độc lập. Ngoài chức năng phục vụ cho việc di chuyển, những chiếc chân này còn được cá chào mào dùng để xáo trộn nền cát nhằm tìm kiếm thức ăn.

Cá chào mào trông khá giống với cá lau kính.
Cá chào mào trông khá giống với cá lau kính.

David Kingsley, đồng tác giả của cả hai nghiên cứu, giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Stanford, lần đầu thấy cá chào mào vào hè năm 2016, sau khi tham gia một hội thảo tại Phòng thí nghiệm Sinh học Biển ở Woods Hole, bang Massachusetts, Mỹ. Trước khi rời đi để bắt chuyến bay, Kingsley ghé qua một thủy cung nhỏ và bắt gặp cá chào mào.

"Cá chào mào hoàn toàn khiến tôi kinh ngạc vì chúng có cơ thể của cá, cánh của chim và nhiều chân giống như cua. Tôi chưa từng thấy loại cá nào trông như được tạo thành từ những bộ phận của nhiều con vật khác nhau như vậy", Kingsley cho biết. Ông cùng đồng nghiệp quyết định nghiên cứu chúng trong phòng thí nghiệm.

Chi tiết thú vị tiếp theo của cá chào mào chính là hai chiếc vây ngực có hình đôi cánh, được bung ra mỗi khi chúng cần bơi. Chưa dừng lại ở đó, cá chào mào còn là một trong số ít những loài cá có thể phát ra âm thanh. Để thực hiện điều này, cá chào mào sẽ rung bong bóng của mình. Theo phân tích của các chuyên gia, cá chào mào dùng âm thanh như một công cụ liên lạc với đồng loại, hoặc xua đuổi kẻ ăn thịt trong trường hợp gặp nguy hiểm. Theo ghi nhận, cá chào mào có thể phát triển chiều dài lên tới 1 mét.

Các chuyên gia mang vài con cá chào mào về phòng thí nghiệm của đồng tác giả nghiên cứu Nick Bellono, giáo sư tại Đại học Harvard, để nghiên cứu và xem liệu chúng có thể tìm thấy con mồi bị chôn vùi không. Họ nhận thấy chúng thay đổi luân phiên giữa những đợt bơi ngắn và đi bộ. Chúng cũng cào bề mặt cát dưới đáy bể để kiếm ăn mà không cần bất cứ tín hiệu thị giác nào về vị trí con mồi.

Để tiếp tục nghiên cứu, các chuyên gia mang về thêm những con cá chào mào khác, nhưng nhanh chóng nhận ra chúng không giống nhóm cá ban đầu. Nhóm mới không đào bới hay tìm thấy con mồi bị chôn vùi.

Điều này mang đến những phát hiện tình cờ cho các nhà nghiên cứu. Loài cá ban đầu là cá chào mào phương bắc (Prionotus carolinus). Loài cá thiếu khả năng cảm nhận và dùng chân chủ yếu chỉ để đi bộ là cá chào mào sọc (Prionotus evolans).

Cá chào mào có thể mang đến cho giới khoa học cơ hội nghiên cứu cách các bộ phận cơ thể mới xuất hiện trong quá trình tiến hóa, cách các đặc điểm mới xuất hiện, cách não bộ tiến hóa và thích nghi với những thay đổi như vậy, theo đồng tác giả nghiên cứu Corey Allard, chuyên gia tại Đại học Harvard. "Những con cá nhỏ kỳ lạ này có rất nhiều điều để khám phá mà có lẽ chúng ta không thể tìm được từ sinh vật nghiên cứu thông thường hơn, ví dụ như chuột", ông nói.

Cập nhật: 30/09/2024 Theo Dân Trí/VNE
  • 932