Kiến đạn là một loại kiến sống tại miền Trung và Nam Nam Mỹ, được biết đến là loài kiến có vết cắn đau đớn nhất thế giới, khiến nạn nhân đau đớn, thậm chí là tê liệt tạm thời dù cơ thể chỉ có 2,5cm.
Kiến đạn (Paraponera clavata) - đôi khi được gọi là kiến 24 giờ hoặc kiến conga - chỉ dài hơn một inch (gần 3 cm), nhưng vết cắn của nó có thể gây ra một cơn đau cực kỳ lớn. Những người không may bị sinh vật rừng nhiệt đới nhỏ bé này cắn nói rằng nỗi đau đến từ chúng không thể so sánh với bất kỳ thứ gì khác trên Trái đất.
Tuy nhiên, đối với tất cả sự đau đớn mà loài kiến nhỏ này có thể gây ra, nọc độc của nó lại có một số lợi ích nhất định đối với y học. Hơn nữa, một nhóm người Brazil bản địa có nguồn gốc từ bang Amazonas thường sử dụng nọc độc của loài kiến này trong một nghi thức quan trọng dành cho những chiến binh mới của họ.
Paraponera clavata có nguồn gốc từ các khu rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ.
Theo ThoughtCo, khi trưởng thành hoàn toàn, con kiến đạn chỉ dài 1,2 inch. Giống như nhiều loài côn trùng khác, nó sống sót nhờ vào mật hoa và những loài động vật chân đốt nhỏ. Loài kiến này cũng có tuổi thọ rất ngắn, thông thường chúng không thể sống quá 90 ngày.
Mặc dù nhìn bề ngoài, kiến đạn có vẻ không quá đáng sợ. Nhưng có một lý do khiến cho chúng có thể trở thành "con quái vật nhỏ". Bất cứ ai từng trải qua vết cắn của sinh vật này đều mô tả nỗi đau mà họ phải chịu đựng là chưa từng cảm thấy trước đây.
Theo Culture Trip, nhà côn trùng học tiến sĩ Justin Schmidt từng nói vết cắn của kiến đạn là "cơn đau thuần túy và vô cùng dữ dội. Giống như đi chân trần trên than hồng rực lửa với một chiếc đinh dài cắm vào gót chân".
Cơn đau đến từ vết cắn của loài kiến này rất dữ dội.
Trên thực tế, cơn đau đến từ vết cắn của loài kiến này rất dữ dội, vượt quá ngưỡng cao nhất là 4 trên thang đo mức độ đau đối với vết cắn của côn trùng mà nhà côn trùng học Schmidt đã phát triển. Để có thể so sánh trực quan hơn thì vết đốt của ong mật chỉ đạt hai điểm trên thang đo này.
May mắn thay, chưa từng có bất kỳ báo cáo nào về nạn nhân chết vì nọc độc của kiến đạn. Hơn nữa, cơn đau đến từ vết cắn của chúng sẽ tự nhiên tan biến trong vòng 24 giờ - do đó, người Venezuela còn đặt cho chúng biệt danh là "kiến 24 giờ" - và sinh vật này không trở nên hung dữ trừ khi bị khiêu khích.
Không có gì lạ khi các loại nọc độc được sử dụng trong các phương pháp điều trị bằng thuốc khác nhau, và nọc độc từ kiến đạn cũng không ngoại lệ.
Trong một bài báo khoa học năm 2001 đăng trên Protein Spotlight, Vivienne Baillie Gerritsen đã chỉ ra rằng nọc độc từ kiến đạn đã được người Amazon bản địa sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị bệnh thấp khớp.
Nọc độc của kiến đạn được dùng để điều trị bệnh thấp khớp.
Vào năm 1968, một người đàn ông Đức tên là Gunter Holzmann đang sống và làm việc ở vùng Amazon thuộc Bolivian đã tìm ra phương pháp điều trị bản địa này để giảm bớt những cơn viêm khớp của mình. Thật vậy, nọc độc của kiến trong lịch sử đã được sử dụng trong thực hành y học phương Đông do đặc tính chống viêm.
Ngoài ra, nọc độc từ nhiều loài kiến khác nhau đã được sử dụng ở Ấn Độ để cải thiện thị lực, Ma-rốc để giảm mệt mỏi và Úc để điều trị đau đầu.
Sau đó, có một số nền văn hóa đã sử dụng vết đốt của kiến đạn như một phần trong lễ trưởng thành.
Sateré-Mawé, một nhóm người Amazon bản địa sống ở Brazil ngày nay, không chỉ được biết đến với việc trồng guaraná (loài cây được dùng để sản xuất đồ uống như nước giải khát, nước tăng lực) mà còn sử dụng nọc độc của kiến đạn trong các nghi thức nhập môn cho những chàng trai trẻ đến tuổi trưởng thành.
Theo Smithsonian, trước tiên các thành viên bộ lạc sẽ ngâm những con kiến đạn trong một loại thuốc an thần tự nhiên, khiến chúng bất tỉnh. Những con kiến này sau đó được gắn cố định vào những chiếc găng tay làm bằng lá cây.
Chiến binh Sateré-Mawé dùng nọc của kiến đạn cho nghi thức trưởng thành của thanh niên trong bộ tộc.
Những cậu bé 12 tuổi của bộ lạc sẽ phải đeo những chiếc găng tay này trong buổi lễ trưởng thành của mình. Điều gì xảy ra tiếp theo chính là khi lũ kiến thức dậy, chúng sẽ cảm thấy điên loạn và liên tục cắn vào bàn tay của những đứa trẻ trong mười phút tiếp theo.
Co thắt cơ bắp, mất phương hướng và thậm chí ảo giác là những gì có thể xảy ra sau đó đối với những đứa trẻ này. Nhưng những chiến binh Sateré-Mawé trẻ tuổi không trải nghiệm nghi lễ đau đớn này chỉ một lần. Họ phải trải qua nghi lễ này 20 lần trước khi được coi là người lớn.
Theo trưởng bộ lạc, mục đích của nghi thức là để cho các cậu bé thấy rằng không ai có thể trưởng thành "mà không phải chịu đựng bất cứ điều gì hoặc không cần bất kỳ nỗ lực nào".
Tuy nhiên, trừ khi bạn là thành viên của bộ tộc Sateré-Mawé, các chuyên gia khuyên bạn nên tránh xa kiến đạn bằng mọi giá. Nếu bạn tình cờ gặp một con trong tự nhiên, đừng khiêu khích nó hoặc làm phiền môi trường sống tự nhiên của nó. Nếu bạn vẫn bị cắn thì hãy yên tâm rằng cơn đau sẽ tan biến trong vòng 24 giờ. Nhưng chắc chắn đó sẽ là 24 giờ đau đớn nhất trong cuộc đời bạn.