Gián "xâm lược" thành phố Italy

  •  
  • 1.426

Thời tiết ấm bất thường và điều kiện vệ sinh kém khiến số lượng gián bùng nổ tại một thành phố ở phía nam Italy trong những ngày qua.

>>> Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có… gián?

Gián đỏ cỡ lớn - loại côn trùng có chiều dài cơ thể lên tới 7cm, xuất hiện khắp thành phố Naples với số lượng lớn và nhân viên y tế liên tục phun thuốc trừ gián xuống các cống ngầm để ngăn chặn tốc độ sinh sôi của chúng, AFP đưa tin.

Số lượng gián tăng mạnh khiến dân chúng cảm thấy bức xúc hơn về tình hình rác thải - một vấn đề nhức nhối tại thành phố Naples trong vài năm gần đây.

Những đống rác trên đường phố tại Naples là một trong những nguyên nhân khiến số lượng của gián bùng phát.
Những đống rác trên đường phố tại Naples là một trong những
nguyên nhân khiến số lượng của gián bùng phát. (Ảnh: AP)

Người dân Naples thường vứt rác vào ban đêm để công nhân vệ sinh thu gom vào buổi sáng sớm. Maurizio Scoppa, giám đốc cơ quan y tế thành phố, nói rằng những đống rác ban đêm và thời tiết nóng đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi của gián.

“Vấn đề quản lý rác và hệ thống dẫn nước thải là những nguyên nhân gây nên tình trạng hiện nay. Chính quyền thành phố không có đủ nhân lực để kiểm tra mọi cống nước”, ông nói.

Một số chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh viêm gan A và thương hàn do sự bùng phát của gián. Tuy nhiên, bà Maria Bonaccisaid, người phát ngôn của hội đồng thành phố bác bỏ nhận định của họ.

“Sự bùng phát số lượng gián không tạo ra những hiểm họa về sức khỏe. Tình hình chưa phát triển đến mức khẩn cấp, bởi hiện tượng này chỉ tác động tới một số khu vực. Các chuyên gia y tế khác khẳng định nó không đe dọa sức khỏe của người dân”, Bonaccisaid nói.

Bonacci nói rằng dư luận đã phóng đại thực tế khi sử dụng cụm từ “cuộc xâm lăng của gián”, song bà thừa nhận số lượng gián trong mùa hè năm nay tăng vọt so với những mùa hè trước. Bà cho rằng chúng sinh sôi nhanh do giới chức nhiệm kỳ trước không làm sạch các cống dẫn nước thải.

Gián đỏ là loài gián có nguồn gốc từ các vùng khí hậu nhiệt đới trên khắp thế giới. Chúng “di cư” tới các vùng khí hậu khác nhờ các chuyến tàu biển.

Theo VNE
  • 1.426