Kiến điên ngoại lai, đe dọa các loài động vật bản địa tại Texas

  •  
  • 164

Một loài kiến ngoại lai có khả năng tiết ra axit formic độc hại đang xâm lấn bang Texas, đe dọa các loài động vật bản địa.

Có nguồn gốc từ Argentina và Brazil, kiến điên Tawny (Nylanderia fulva) đã "quá giang" tàu thủy vượt đại dương để đến Mỹ và nhanh chóng sinh sôi nảy nở. Chúng đang tràn vào các cùng đất mới của Texas, tiêu diệt côn trùng và thằn lằn, xua đổi chim chóc, thậm chí làm mù cả thỏ con bằng cách phun axit vào mắt.

Nylanderia fulva được gọi là kiến điên vì cách di chuyển thất thường, không giống "cuộc hành quân có trật tự" như các loài họ hàng của chúng. Mặc dù không có nọc độc như kiến lửa, kiến điên Tawny có thể tiết axit formic để tự vệ trước kẻ thù hoặc làm mất khả năng sinh sản của động vật bản địa.

"Đó là một cảnh tượng kinh dị", nhà sinh thái học Edward LeBrun, người đã mô tả những đàn kiến điên xâm lấn Công viên Estero Llano Grande ở Texas, nói với AFP. "Chúng không chỉ phá hủy hệ sinh thái mà còn làm rối loạn cuộc sống của con người".

Nylanderia fulva có xu hướng làm tổ trên các hệ thống điện, gây chập cầu dao, bộ xoay chiều và máy bơm nước thải. Một số biện pháp kiểm soát kiến điên, bao gồm cả phun thuốc trừ sâu độc tính cao, đã được thực hiện nhưng chỉ có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của chúng chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn.

Kiến điên Tawny đang ăn một con dế.
Kiến điên Tawny đang ăn một con dế. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới được công bố hôm 28/2 trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học tại Đại học Texas ở Austin đã mang đến một tin vui. Họ phát hiện một mầm bệnh từ nấm có nguồn gốc tự nhiên có thể đảo ngược sự xâm lấn tràn lan của kiến điên trên khắp các vùng đông nam nước Mỹ.

Loại nấm này được gọi là Microsporidia. Nó có thể chiếm đoạt tế bào mỡ của côn trùng và biến chúng thành các "nhà máy" sản xuất bào tử. Nguồn gốc của mầm bệnh không rõ ràng, có lẽ nó đến từ Nam Mỹ hoặc từ một loài côn trùng khác.

LeBrun và đồng nghiệp của ông là Rob Plowes trong lúc nghiên cứu những con kiến điên mà họ thu thập được ở Florida đã tình cờ phát hiện một số cá thể có bụng sưng to bất thường vì mỡ. Nguyên nhân chính là do Microsporidia.

Nhóm nghiên cứu đã quan sát 15 quần thể kiến điên trong nhiều năm và nhận thấy mọi quần thể chứa mầm bệnh đều suy giảm số lượng, trong đó có tới 60% đã tuyệt chủng hoàn toàn.

Trong một thử nghiệm, nhóm nghiên cứu quyết định đặt những con kiến nhiễm bệnh với những con khỏe mạnh vào cùng một địa điểm làm tổ bên trong công viên, đặt những chiếc xúc xích xung quanh các ngăn thoát ra của một chiếc hộp để dụ hai đàn nhập vào nhau.

Những con kiến này sau đó đã tạo thành "siêu thuộc địa", có nghĩa là các nhóm riêng biệt không chiến đấu với nhau để giành lãnh thổ. Đây là một lợi thế lớn khi kiến điên xâm lấn các khu vực mới, nhưng cũng trở thành điểm yếu lớn nhất của chúng, vì nó cho phép mầm bệnh lây lan mà không được kiểm soát.

Thử nghiệm đã thành công rực rỡ, khiến số lượng kiến điên tại công viên giảm xuống bằng 0 trong vòng vài năm. Ấu trùng được chăm sóc bởi kiến thợ nhiễm bệnh có vẻ rất dễ bị tổn thương.

Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm sẽ tiếp tục thử nghiệm phương pháp kiểm soát sinh học mới của họ tại các môi trường sống nhạy cảm của Texas vào mùa xuân năm nay.

Cập nhật: 30/03/2022 Theo VnExpress
  • 164