Kim tự tháp nào cổ xưa nhất thế giới?

  •  
  • 130

Từng được cho là lâu đời nhất thế giới, kim tự tháp Djoser tại Ai Cập có thể bị những công trình ở Peru hay Indonesia chiếm mất danh hiệu.

Từ Ai Cập đến Trung Bộ châu Mỹ cổ đại, nhiều nền văn minh vĩ đại thời xưa có chung sở thích xây kim tự tháp. Các điểm du lịch nổi tiếng như Giza (Ai Cập) và Chichen Itza (Mexico) có thể là nơi đầu tiên mọi người nghĩ tới khi nhắc về kim tự tháp, nhưng thực chất cả hai đều không phải là nơi có kim tự tháp lâu đời nhất thế giới.

Kim tự tháp cổ xưa nhất Ai Cập


Kim tự tháp Djoser tại Ai Cập. (Ảnh: Liya Blumesser).

Cách Đại kim tự tháp Giza nổi tiếng vài km về phía nam là kim tự tháp cổ xưa nhất Ai Cập, Djoser. Tọa lạc tại Saqqara, kim tự tháp này được xây vào khoảng năm 2630 trước Công nguyên để chôn cất pharaoh Djoser.

Đại kim tự tháp Giza có kích thước lớn nhất trong cụm 3 kim tự tháp Giza, được xây dựng cho pharaoh Khufu. Djoser tồn tại trước đó khoảng 70 năm, có cấu trúc hơi khác so với 3 kim tự tháp Giza hình khối tam giác vì được xây bằng cách xếp chồng các bệ đá lên nhau, tạo thành kim tự tháp bậc thang.

Kiến trúc sư của công trình này là thầy tế cấp cao Imhotep, cũng là cố vấn của pharaoh Djoser. Nổi tiếng am hiểu nghệ thuật và khoa học, Imhotep được tôn làm thần sau khi qua đời.

Suốt thời gian dài, giới chuyên gia coi Djoser là kim tự tháp lâu đời nhất thế giới. Tuy nhiên những phát hiện gần đây hơn ở phía bên kia địa cầu đã làm thay đổi suy nghĩ này.

Kim tự tháp cổ xưa nhất Peru


Bậc thang dẫn lên một trong những kim tự tháp ở Caral. (Ảnh: Ernesto Benavides/AFP).

Ở châu Mỹ cổ đại, kim tự tháp rất được ưa chuộng với những ngôi đền có sườn dốc mọc lên vào thời Maya, Aztec và Inca. Để tới kim tự tháp lâu đời nhất Tây bán cầu, cần vượt một quãng đường khá dài từ phía nam của rừng rậm Trung Mỹ đến vùng sa mạc cao của Peru. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tình cờ phát hiện một thành phố đồ sộ và cổ xưa mang tên Caral vào đầu thế kỷ 20.

Do sự phức tạp của thành phố, ban đầu giới khoa học cho rằng Caral được xây dựng tương đối gần đây. Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố năm 2001 cho thấy điều này không chính xác. Sử dụng phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon nhằm tìm niên đại của vật liệu dùng để xây Caral, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng thành phố có thể hình thành từ năm 2627 trước Công nguyên.

Dựa trên phát hiện này, các nhà khảo cổ suy đoán, 6 kim tự tháp tại đây - bao gồm cả kim tự tháp Pirámide khổng lồ - có thể tồn tại trước Saqqara ở Ai Cập. Tuy nhiên, do chưa thể xác định chính xác niên đại của những tòa nhà ở Caral, rất khó để khẳng định nền văn minh cổ đại nào đã hoàn thành kim tự tháp của mình trước.

Gunung Padang - cấu trúc gây tranh cãi

 Cấu trúc Gunung Padang ở Indonesia.
Cấu trúc Gunung Padang ở Indonesia. (Ảnh: Wikimedia).

Suốt nhiều thập kỷ, các nhà khảo cổ nỗ lực nghiên cứu xem kim tự tháp lâu đời nhất thế giới nằm ở Ai Cập hay Peru, nhưng một "ứng cử viên" khác ở Indonesia đang đe dọa chiếm danh hiệu này. Quần thể cự thạch khổng lồ Gunung Padang nằm trên một ngọn đồi nổi bật và một số học giả tin rằng ngọn đồi này có thể do con người tạo nên.

Giả thuyết mới được đưa ra lần đầu vào năm 2018, gây nhiều tranh cãi và không thể thuyết phục nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khảo cổ tuyên bố đã tìm ra bằng chứng cho thấy ngọn đồi do con người xây dựng có chủ đích theo nhiều giai đoạn xuyên suốt hàng nghìn năm.

Sử dụng radar xuyên đất, họ phát hiện dấu vết lớp nền được xây cách đây ít nhất 9.500 năm, thậm chí có thể lên tới 28.000 năm. Nếu kết quả được xác minh, Gunung Padang sẽ trở thành kim tự tháp lâu đời nhất thế giới, bỏ xa các ứng cử viên khác. Nhưng hiện tại, đa số ý kiến cho rằng đây chỉ là một ngọn đồi.

Cập nhật: 06/07/2023 VnExpress
  • 130