Cùng tới thăm những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, bao la nhưng đầy ma mị với những truyền thuyết cổ xưa ngàn năm tuổi.
Thời xa xưa, khi kiến thức khoa học còn chưa phát triển, con người đã thêu dệt nên truyền thuyết, thần thoại nhằm giải thích cho các hiện tượng tự nhiên xung quanh.
Vì vậy, rất nhiều địa danh trên thế giới đã tồn tại hàng ngàn năm cùng với vô số kể những truyền thuyết ma mị bí ẩn. Có thể kể tới như thác Niagara, ghềnh đá dĩa Giant’s Causeway hay Đỉnh núi của Quỷ Devil's Peak…
Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không tới ngay những địa danh này và khám phá về độ bí ẩn trong các truyền thuyết xung quanh chúng ngay thôi.
Niagara là thác nước có dòng chảy mạnh và siết nhất Bắc Mỹ, nằm giữa biên giới Canada và Mỹ. Đối với thổ dân bản địa, Niagara được xem là một nơi vô cùng thiêng liêng, gắn liền với nhiều truyền thuyết cổ xưa đầy bí ẩn. Nổi tiếng nhất trong số đó chính là câu chuyện về “Người trinh nữ trong sương mù”.
Chuyện kể rằng, Lelawala là cô gái xinh đẹp nhất bộ tộc Ongiara sống bên dòng thác Niagara. Một ngày kia, bỗng người dân trong bộ tộc bị chết dần mà không rõ nguyên nhân. Nhiều người cho rằng, đó là do sự giận dữ của các vị thần trút lên số phận của bộ tộc.
Để xoa dịu cơn thịnh nộ này, người tộc Ongiara đã chọn Lelawala là trinh nữ để hiến tế cho các đấng tối cao. Nghi lễ được thức hiện bằng cách để Lelawala ngồi lên một chiếc xuồng trôi theo dòng thác Niagara.
Nhưng thật kỳ lạ, Lelawala không bị dòng thác chảy siết lấy đi tính mạng. Cô gái được cứu sống bởi thần sấm sét Hinum. Thần cũng dạy cho cô cách để đánh bại quái vật rắn khổng lồ sống dưới dòng thác, nguyên nhân gây ra cái chết của người dân bộ tộc. Lelawala quay lại ngôi làng của mình, truyền cho mọi người thông điệp của thần Hinum.
Các chiến binh trong bộ tộc sau đó theo sự chỉ dẫn của cô đã chiến thắng con quái vật hung dữ. Rắn khổng lồ cuối cùng đã rút về hang ổ, vắt người sang hai bên thác. Sau này, chính nơi đó hình thành nên thác Móng Ngựa - một trong ba ngọn thác của Niagara.
Về phần Lelawala, nàng đã quay trở lại hang động của thần Hinum và trở thành một nàng tiên sống hạnh phúc tới cuối đời.
“Đỉnh núi của Quỷ” (Devil’s Peak) là một trong những ngọn núi hình chóp nổi tiếng nhất trên thế giới, tọa lạc tại Cape Town, Nam Phi.
Devil’s Peak sở hữu một đặc điểm rất kì bí, đó là những đám mây cuộn khổng lồ phía trên đỉnh núi từ hàng ngàn đời nay. Và để lý giải nguồn gốc của hiện tượng trên, người xưa đã thêu dệt nên truyền thuyết về quỷ Satan tại ngọn núi này.
Xưa kia, người ta kể rằng có một tên cướp biển nghiện hút thuốc tên Jan van Hunks định cư tại Cape Town đầu thế kỷ XVIII.
Từ bỏ nghề cướp bóc của mình, Hunks kết hôn và sinh sống tại một ngôi nhà dưới chân núi. Tuy nhiên, vợ Hunks rất ghét thói quen hút thuốc của chồng và sẽ đuổi Hunks ra khỏi nhà bất cứ khi nào ông thắp tẩu.
Những đám mây cuộn sát trên đỉnh núi là đặc trưng ở Devil's Peak
Vì vậy, khi hút thuốc, Hunks đều trèo lên đỉnh núi và tìm một chỗ thuận tiện. Nhưng vào một ngày nọ, Hunks đến địa điểm quen thuộc thì bắt gặp một người đàn ông bí ẩn đang ngồi. Toàn thân ông ta mặc đồ đen và đội một chiếc mũ che kín mặt. Không để Hunks lên tiếng, người lạ mặt đã chào, gọi tên và mời ông trò chuyện.
Khi đề cập đến việc hút thuốc, lập tức Hunks khoe khoang về số lượng thuốc lá sợi ông có thể hút. Người lạ mặt nói rằng ông ta có thể dễ dàng đánh bại Hunks. Hai người đồng ý tổ chức thi xem ai có thể hút nhiều thuốc nhất. Cuộc thi đã tạo ra một đám khói khổng lồ bao trùm hai người đàn ông và cả đỉnh núi.
Cuối cùng thì người lạ mặt đã phải bỏ cuộc. Tuy nhiên khi ông ta tháo chiếc mũ ra, Hunks cảm thấy vô cùng kinh hãi khi trước mặt ông chính là quỷ Satan. Tức giận khi bại dưới tay một người phàm, quỷ Satan đã bắt Hunks đi trong lúc một tia sét đánh xuống.
Từ đó, mỗi khi thấy sương mù cuộn trên Devil’s Peak , mọi người lại truyền nhau câu chuyện chàng Hunks và con quỷ đang tổ chức một cuộc thi hút thuốc trên đỉnh núi.
Núi lửa Etna nằm ở bờ biển phía Đông của Sicily, Italy. Đây là một trong những ngọn núi lửa còn hoạt động mạnh nhất ở Châu Âu.
Đợt phun trào đầu tiên của Etna được ghi nhận năm 1500 TCN. Sau đó, núi đã phun trào thêm ít nhất 200 lần nữa. Trong đó, vụ phun trào kéo dài 4 tháng vào năm 1669 đã khiến dung nham núi lửa bao phủ 12 ngôi làng, phá hủy nhiều công trình xung quanh.
Vậy người xưa lý giải ra sao về câu chuyện này? Trong thần thoại Hy Lạp, thủ phạm tạo ra lửa ở Devil’s Peak chính là quái vật trăm đầu Typhon - con trai của Gaia - nữ thần Đất mẹ.
Sinh vật này có một sức mạnh vô biên và từng âm mưu lật đổ các vị thần trên đỉnh Olympia.
Hệ quả là một cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra mà nơi đó, thần Zeus tối cao đã đả bại Typhon. Thần quyết định giam Typhon dưới chân ngọn Etna.
Vì vậy, Typhon hận thù Zeus tới tận xương tủy, thường xuyên phun những dòng dung nham nóng bỏng lên bầu trời để báo thù.
Trận chiến giữa quái vật Typhon và thần Zeus
Ghềnh đá dĩa Giant’s Causeway là một đoạn bờ biển thuộc vùng Bắc Ireland. Hàng năm, có rất nhiều khách du lịch và nhà nghiên cứu đến nơi đây để xem xét một trong những cấu trúc địa chất độc đáo nhất thế giới: những cột đá bazan lục giác được tạo hóa sắp xếp ngay ngắn với nhau.
Theo lí giải của các nhà khoa học, các cột đá tại đây được hình thành khoảng 50-60 triệu năm trước bởi các cuộc phun trao núi lửa. Tuy nhiên, người dân địa phương thì tin vào một truyền thuyết riêng để giải thích cho điều này.
Ngày xưa, có người khổng lồ Ireland tên Finn McCool. Ông ta vốn có hiềm khích lâu đời với một người khổng lồ khác là Benandonner ở Scotland. Một hôm, hai người khổng lồ đứng ở hai bên bờ biển và cãi nhau kịch liệt.
McCool quá tức giận đã nắm một nắm đât và ném vào Benandonner. Tuy nhiên, nắm đất đã rớt trên biển và tạo nên đảo Man. Còn chỗ McCool bốc nắm đất bị lõm xuống và hình thành hồ Neagh.
Hình vẽ người khổng lồ Finn McCool
Những hiềm khích giữa hai người khổng lồ tăng dần và McCool quyết định xây một con đường bắc qua biển để hai người khổng lồ có thể gặp nhau vì Benandonner không biết bơi. Bằng cách đó, hai bên muốn so sánh xem ai mới là kẻ khổng lồ hơn.
Finn McCool xây đường cho Benandonner vượt biển
Sau khi xây xong con đường, McCool vì quá mệt mỏi nên đã trở về nhà và ngủ thiếp đi. Trong lúc ấy, người khổng lồ Scotland đã bước qua con đường và tiến sang Ireland. Nghe thấy tiếng bước chân Benandonner, vợ McCool nhận ra người khổng lồ Scotland to lớn hơn nhiều so với chồng mình.
Vì thế, bà đã nghĩ ra một kế. Vợ McCool quấn một cái chăn quanh người chồng, kiếm một một cái mũ em bé lớn nhất có thể để đội lên đầu ông.
Khi Benandonner đến trước cửa và kêu gào McCool bước ra so tài, người vợ mở cửa và bảo rằng đừng làm ồn kẻo đứa con thức dậy.
Giant's Causeway ngày nay sau cuộc gặp gỡ của hai người khổng lồ
Nhìn thấy kích thước “khủng” của em bé nhà McCool, Benandonner “hồn xiêu phách lạc” và không còn đủ can đảm để đọ kích thước với cha nó.
Y nhanh chóng chạy về nhà và phá hủy con đường trên biển để đảm bảo rằng không ai có thể đuổi theo mình. Nhưng cho tới ngày nay, một phần đoạn đường được người khổng lồ McCool xây hiện vẫn ở tại Bắc Ireland.