Kỹ sư John Houbolt: Người giấu mặt giúp Mỹ thắng trong cuộc đua Mặt trăng

  •  
  • 1.728

Nếu không nhờ công lao của một nhân vật tên John Houbolt, nước Mỹ có thể sẽ chẳng bao giờ đưa người tới được Mặt trăng. Người hùng thầm lặng này vừa qua đời hôm 15/4 ở tuổi 95 vì trọng bệnh.

John Houbolt chính là người đã thành công trong việc "bán" cho các nhà lãnh đạo chương trình không gian của đất nước một kế hoạch mang tên Gặp gỡ trên quỹ đạo Mặt trăng (LOR), giúp dẫn tới 6 cuộc độ bộ thành công của các tàu Apollo lên "nhà của chị Hằng" vào cuối những năm 1960, đầu những năm 70.

Lối đi duy nhất tới Mặt trăng

Trước khi Houbolt bắt đầu cổ súy cho LOR, coi đây là lối đi duy nhất lên Mặt trăng, các nhà khoa học tên lửa hàng đầu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), gồm cả nhân vật cực kỳ uy tín Wernher von Braun, đã hình dung ra hoạt động rất giống với truyện khoa học viễn tưởng.

Kỹ sư John Houbolt: Người giấu mặt giúp Mỹ thắng trong cuộc đua Mặt trăng

Trong kế hoạch ban đầu, họ tính rằng sẽ phóng rất nhiều tên lửa Saturn V, loại tên lửa thuộc hàng lớn nhất của Mỹ khi đó, chở theo linh kiện lên quỹ đạo của Trái đất và lắp ghép tàu vũ trụ đi tới Mặt trăng trên đó. Một ý tưởng khác là chế tạo một quả tên lửa khổng lồ, to gấp đôi Saturn V (có tên Nova), để bay thẳng tới Mặt trăng, hạ cánh bằng cách quay đầu tên lửa và đáp dần xuống. Sau khi xong nhiệm vụ, tên lửa sẽ khai hỏa và trở lại Trái đất giống như cách mà nó đã đi lên Mặt trăng.

"Họ đã định phóng một con tàu vũ trụ với kích cỡ bằng quả tên lửa Atlas dài 30m lên Mặt trăng mà không cần sự trợ giúp nào cả và tìm cách xoay đầu nó để hạ cánh" - Houbolt tả lại trong một cuộc phỏng vấn với NASA hồi năm 2008 - "Tôi nói rằng chuyện đó không thể thực hiện được".

Thời điểm những năm 60 - 70, Houbolt đang nghiên cứu phương thức tiếp cận và kết hợp trong không gian để phục vụ việc chế tạo các trạm vũ trụ. Ông còn là trợ lý phụ trách Đơn vị tải động ở Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA và ông đã tính tới một phương thức khác nhằm tiếp cận với Mặt trăng, chính là LOR.

Chiến binh kiên cường

Thay vì bay thẳng từ Trái đất tới Mặt trăng, LOR đề xuất việc phóng 1 tàu vũ trụ bay vòng quanh quỹ đạo Mặt trăng và sử dụng module đặc biệt hạ cánh. Sau khi xong nhiệm vụ, module sẽ bay trở lại không gian và gặp tàu vũ trụ trên quỹ đạo Mặt trăng để trở lại Trái đất. "Tôi nói rằng các anh phải thêm hoạt động gặp gỡ trong không gian vào suy nghĩ của mình, để đơn giản hóa nhiệm vụ và quản lý năng lượng tốt hơn" - Houbolt kể.

Mặc dù đã được vài người ủng hộ LOR, Houbolt vẫn vấp phải sự chống đối đáng kể từ các thành viên trong NASA. Trong một lá thư gửi cho một giám đốc của NASA, Houbolt tự gọi mình là "một giọng nói lạc lõng trong hoang dã". "Chuyện hóa ra đã trở thành một cuộc chiến kéo dài 2 năm rưỡi chỉ để thuyết phục mọi người, bởi họ không chịu lắng nghe" - Houbolt kể lại.

Houbolt đã dám thực hiện các bước đi táo bạo và vượt qua quy trình thông thường khi gửi thư riêng tới cho một người sắp lên ngồi ghế giám đốc NASA để trình bày ý tưởng của mình.

Kỹ sư John Houbolt: Người giấu mặt giúp Mỹ thắng trong cuộc đua Mặt trăng
Kỹ sư Houbolt nói rằng LOR là phương thức duy nhất giúp Mỹ nhanh chóng đưa người lên Mặt trăng

"Chúng ta có muốn lên Mặt trăng hay không?" - Houbolt hỏi trong thư - "Tại sao một chương trình có quy mô ít tốn kém hơn... lại bị xếp phía sau. Tôi hoàn toàn nhận ra rằng liên hệ với ông theo cách này là phi chính thống, nhưng các vấn đề đang được xem xét vô cùng quan trọng với chúng ta, tới mức khó có thể liên hệ theo lối thông thường".

Được biết Houbolt không phải cha đẻ của ý tưởng LOR mà nó thực tế đã có cái gốc từ năm 1916. Nhưng nếu thiếu hoạt động ủng hộ kiên trì bền bỉ của Houbolt, đặc biệt là nỗ lực thuyết phục của ông đã làm xiêu lòng Von Braun cùng cố vấn khoa học nổi tiếng "rắn" của Nhà Trắng là Jerome Wiesner, phi hành gia Neil Armstrong sẽ khó có thể tới được Mặt trăng.

Phần thưởng lớn nhất

"Cho dù sự lựa chọn của NASA về ý tưởng LOR đã được thực hiện trong mùa Hè 1962 hoặc muộn hơn, thông tin nghiên cứu, nỗ lực và ý chí quật cường của Houbolt vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng" - sử gia James Hansen viết trong cuốn sách viết về Houbolt ra mắt vào năm 1995.

George Low, Giám đốc NASA vào thời điểm các cuộc đổ bộ lên Mặt trăng diễn ra, cũng cho rằng Houbolt có tác động to lớn tới chương trình. "Nếu LOR không được lựa chọn, chương trình Apollo có thể đã không thành công" - Low nói, cho biết thêm - "Nếu thiếu sự kiên trì bền bỉ của Houbolt trong việc thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách của NASA, cơ quan có thể đã không chọn LOR".

"Khi hoạt động hạ cánh được thực hiện và con tàu đã chạm xuống mặt đất... tất cả chúng tôi đứng lên và bắt đầu vỗ tay" - Houbolt nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với NASA - "Lúc đấy Von Braun đã tới đứng trước mặt tôi, ra dấu hiệu và nói rằng: "Cảm ơn John". Đó là một trong những phần thưởng lớn nhất mà tôi từng nhận".

Theo TTVN
  • 1.728