Lá lốt, cây thuốc

  •  
  • 3.999

Lá lốt nấu nước, ngâm chân tay chữa mồ hôi trộm. Cành lá sắc đặc ngậm chữa đau răng. Lá lốt còn gọi là lá tất bát. Tên khoa học là: Piper lolot C. DC... thuộc họ Hồ tiêu Piperaccac.

Lá lốt

Lá lốt (Ảnh: TTO)

Lá lốt là cây thảo sống lâu, cao khoảng 30-40cm, mọc bò. Thân phồng lên ở các mấu, mặt ngoài có nhiều đường rãnh dọc. Lá đơn, nguyên, mọc so le, hình tim, có năm gân chính tỏa ra từ cuống lá; cuống có bẹ ở gốc ôm lấy thân. Cụm hoa là một bông đơn mọc ở nách lá. Quả mọng, chứa một hạt.

Lá lốt mọc hoang và cũng thường được trồng lấy lá làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng mấu thân, cắt thành khúc 20-25cm, giăm vào nơi ẩm ướt.

Có thể thu hái cây quanh năm, đem rửa sạch, phơi nắng hay sấy ở 40-500 C đến khô.

Lá và thân chứa alcaloid và tinh dầu, tinh dầu có thành phần chủ yếu là beta-caryophylen; rễ chứa tinh dầu có thành phần chính là benzylacetat.

Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ôn trung, tán hàn, hạ khí, chỉ thống (giảm đau).

Lá lốt có tác dụng trị phong hàn thấp, tay chân lạnh, tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, sinh bụng, đau bụng ỉa chảy, thận và bàng quang lạnh, đau răng, đau đầu, chảy nước mũi hôi.

Nước sắc toàn cây trị đầy bụng nôn mửa; ngày dùng 10-20g. Nước sắc rễ chữa tê thấp đau lưng; ngày dùng 8-12g; thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác như dây đau xương, rễ cỏ xước, củ cốt khí... Cành lá sắc đặc ngậm chữa đau răng. Lá tươi giã nát, phối hợp với lá khế, lá đậu ván trắng, mỗi thứ 50g thêm nước gạn uống giải độc, chữa say nắng, rắn cắn.

Người ta còn dùng lá lốt nấu nước ngâm tay chân cho người bị bệnh thấp đổ mồ hôi tay, mồ hôi chân.

Theo VHNT ăn uống, Nhân dân, TTO
  • 3.999