Làm gì để sống sót khi bị tấn công bất ngờ?

  •   47
  • 7.500

Nếu bị tấn công, đừng trốn dưới gầm bàn hoặc trong phòng kín bởi đấy là nơi kẻ thủ ác thường nhằm đến; hãy tận dụng yếu tố bất ngờ để tự cứu mình.

Cách xử lý khi gặp khủng bố

Khả năng bạn ra đi do một vụ khủng bố không nhiều, thấp hơn 30.000 lần so với nguy cơ chết do bệnh tim mạch và ung thư. Tuy vậy, hầu hết trường hợp ốm đau dẫn đến tử vong đều không quá bất ngờ, trừ khi bạn không bao giờ đi khám. Đau tim không xảy ra chỉ vì bạn lên nhầm chuyến tàu hoặc xem nhầm một bộ phim.

Trong khi đó các vụ khủng bố khiến chúng ta bất ngờ, không kịp xoay sở. Trao đổi với Men's Health, Alon Stivi, người sáng lập kiêm CEO công ty an ninh Giải pháp Trực tiếp Quốc tế (Mỹ) đồng thời là cựu vệ sĩ cho các ngôi sao như Arnold Schwarzenegger, đưa ra những lời khuyên giúp bạn sống sót nếu tình huống tồi tệ xảy ra.

Làm gì để sống sót khi bị tấn công bất ngờ?
Diễn tập chống khủng bố. (Ảnh: LEONARD ORTIZ).

Theo Stivi, sai lầm đầu tiên mọi người hay mắc trong các vụ xả súng là trốn dưới gầm bàn: "Chẳng ai sống sót nhờ nấp dưới bàn cả". Các tay súng biết thừa những nơi nạn nhân hay trốn và chúng nhắm đến gầm bàn đầu tiên.

Cựu vệ sĩ nói tiếp, trốn trong phòng kín chưa hẳn đã là ý hay. Thông thường, trừ khi kẻ khủng bố muốn giết hết tất cả mọi người, chúng sẽ có một danh sách trong đầu. Chúng muốn hạ một số cá nhân cụ thể và dụ họ đến phòng kín chính là điều chúng muốn. "Nếu có thể thoát ra, hãy làm ngay", Stivi khuyên.

Trường hợp bị mắc kẹt trong phòng kín, hãy đẩy một chiếc bàn chắn ngang cửa hoặc tận dụng những yếu tố bất ngờ. "Điều cuối cùng kẻ khủng bố có thể nghĩ đến là sự phản công của nạn nhân. Hắn nghĩ hắn mạnh vì cầm súng trong tay, có thể giết mọi người rồi tự sát tùy ý", Stivi phân tích. Khi bước vào một căn phòng, các tay súng thường đi thẳng. Do vậy, đứng chờ ở hai bên cánh cửa sẽ tạo bất ngờ.

"Điều đầu tiên nên làm khi đó là cản trở tầm nhìn của kẻ khủng bố bằng cách tắt đèn. Mắt cần vài giây mới điều chỉnh được nếu đột ngột chuyển từ chỗ sáng hay chỗ tối", Stivi giải thích. Nếu phòng có cửa sổ và đang là ban ngày, hãy ném vật gì đó vào mắt hắn. Ít nhất tên này sẽ cảm thấy lúng túng và che mặt theo bản năng.

Việc tiếp theo là hạ gục tay súng. Điều này hiển nhiên phức tạp với những ai chưa từng "đốn ngã" một ai, nhưng rất cần thiết. Bạn nên tấn công vào đầu gối để hắn khuỵu xuống nhanh chóng thay vì nhắm vào "chỗ hiểm". Stivi giải thích, đàn ông thường bảo vệ rất kỹ bộ phận nhạy cảm của mình. Bạn buộc phải đứng đối mặt hoặc ngay sau lưng kẻ khủng bố nếu muốn tấn công chính xác và sẽ cầm chắc cái chết nếu thất bại. Vì thế, đầu gối mới là mục tiêu hàng đầu. "Đây không phải một buổi đấu võ. Bạn không cần gây đau đớn mà phải hạ hắn", cựu vệ sĩ khẳng định.

Ngoài ra, Stivi cho rằng không nên chờ đợi sự giúp đỡ. Phần lớn nạn nhất tử vong trong 5-10 phút đầu tiên trước khi cảnh sát kịp có mặt. Theo ông, 2 liều thuốc chống lại sợ hãi là niềm tin và kiến thức. "Tôi biết mình đang tìm kiếm điều gì. Tôi biết cần phải gì nếu chuyện không may xảy ra. Tôi có một kế hoạch hành động. Kiến thức là thứ giúp chúng ta sống không sợ hãi", Stivi kết luận.

Cập nhật: 15/11/2017 Theo VnExpress
  • 47
  • 7.500