Làm thế nào mà những chú ngựa lại trở thành cảm hứng cho sự ra đời của máy điện báo?

  •  
  • 731

Kết nối những sự kiện không liên quan là kỹ thuật tư duy phổ biến giúp các thiên tài nghĩ ra các giải pháp độc đáo vượt lên những kiến thức đã biết.

Năm 1838, máy điện báo ra đời giúp con người có thể gửi và nhận thông điệp trong chớp mắt, một cột mốc mang tính cách mạng trong lịch sử viễn thông thế giới trước khi radio và điện thoại xuất hiện. Trong suy nghĩ của nhà phát minh Samuel Morse, hình ảnh những con ngựa có quan hệ như thế nào với máy điện báo?

Sự liên tưởng giữa ngựa và máy điện báo (điện tín) là một kỹ thuật tư duy sáng tạo mà chúng ta có thể rèn luyện, theo tác giả Michael Michalko, một chuyên gia nổi tiếng thế giới, tác giả của nhiều đầu sách bán chạy ở Mỹ về tư duy sáng tạo, từng là cố vấn cho CIA và nhiều công ty trong top Fortune 500.

Trong bài viết trên Imagineer7, Michalko cho rằng, khi mọi người dùng trí tưởng tượng để phát triển ý tưởng mới, chủ yếu đó là những ý tưởng có thể dự báo được từ đặc điểm của các khái niệm và nhóm mà khoa học đã biết. Trong trường học, bạn được dạy cách định nghĩa, đặt tên và phân chia những gì bạn học được vào các nhóm riêng rẽ. Các nhóm khác nhau được tách biệt và không được chạm tới nhóm khác, rất giống với những viên đá lạnh trên một cái khay.

Khi bạn học và phân nhóm một cái gì đó, suy nghĩ của bạn về nó bắt đầu đông cứng. Ví dụ, khi bạn đã học về điện tín, bất cứ khi nào ai đó đề cập tới "điện tín" thì bạn đã biết chính xác điện tín là gì.

Samuel Morse đã sáng chế ra điện tín nhưng khi tìm cách tạo ra một tín hiệu đủ lớn để truyền qua các khoảng cách lớn thì ông gặp bế tắc. Giải pháp truyền thống là dùng máy phát điện, tuy nhiên, các máy phát điện lớn hơn vẫn không đủ để cung cấp điện cho tín hiệu truyền từ bờ biển này sang bờ biển kia. Vấn đề này đã khiến Morse suy nghĩ nhiều và thấy khó khăn.

Trong nhật ký của mình, danh họa Leonardo da Vinci viết rằng, suy nghĩ sáng tạo yêu cầu bạn có khả năng tạo ra những kết nối và liên tưởng giữa hai hay nhiều đề tài khác biệt nhau, sáng tạo những nhóm và khái niệm mới. Bạn thiết lập kết nối giữa các đề tài khác nhau để kích thích những mẫu tư duy mới trong não bạn. Các mẫu mới này lại tạo ra những kết nối và liên tưởng mới dẫn tới những ý tưởng độc đáo mà bạn không thể có bằng cách sử dụng tư duy thông thường của bạn.

Một lúc nào đó, hãy tưởng tượng suy nghĩ là nước. Khi bạn được sinh ra, tâm trí bạn giống như một ly nước. Suy nghĩ của bạn toàn diện, rõ ràng, linh hoạt. Tất cả mọi suy nghĩ đều hòa trộn và kết hợp với nhau, tạo nên tất cả các loại kết nối và liên tưởng. Đó là lý do vì sao trẻ em có tính sáng tạo một cách tự phát.

Khi bạn được sinh ra, tâm trí bạn giống như một ly nước.
(Ảnh: stylecraze)

Tuy nhiên, trong trường học thì bạn lại được dạy để suy nghĩ theo hướng hạn chế, cục bộ. Khi đương đầu với một vấn đề, bạn khảo sát khay đá viên trong tâm trí bạn và lựa chọn viên đá phù hợp. Rồi bạn lấy một viên đá và bỏ nó vào ly nước, nơi bạn suy nghĩ của bạn làm cho viên đá nóng lên và tan chảy.

Ví dụ, nếu vấn đề là "cung cấp điện cho điện tín xuyên bờ biển", ly nước sẽ chứa tất cả những gì bạn đã học về điện tín, những phương pháp cấp điện cho nó, và không có gì nữa. Bạn đang suy nghĩ cục bộ, nghĩa là bạn chỉ nghĩ đến những gì bạn đã học về điện tín và loại bỏ mọi thứ khác. Bất kể nước được khuấy bao nhiêu lần, điều tốt nhất mà bạn sẽ tạo ra khi kết thúc chỉ là một sự cải thiện nhỏ.

Viên đá
(Ảnh: williams-sonoma)

Một ngày, Morse đang chờ cưỡi ngựa ở một trạm tiếp sức cho ngựa. Chờ đợi trong rảnh rỗi, Morse chiêm nghiệm những cách cấp điện cho điện tín, đồng thời nghĩ tới những con ngựa đã thấm mệt đang được trao đổi ở trạm. Ông có một quan sát là, một người có thể đi du lịch từ bờ biển này sang bờ biển kia bằng cách đổi ngựa ở các trạm tiếp sức cho ngựa theo định kỳ. Vậy là ông thiết lập một kết nối giữa việc cấp điện cho điện tín với việc trao đổi ngựa ở trạm tiếp sức cho ngựa để giải quyết vấn đề của ông. Giải pháp là gia tăng công suất định kỳ cho tín hiệu điện tín đang truyền tải. Điều đó làm cho điện tín xuyên bờ biển trở nên khả thi.

Morse đã cố gắng giải quyết vấn đề của mình bằng cách dùng một viên đá từ khay đá (điện tín) mà không có may mắn. Chỉ khi ông bỏ một viên đá khác (trạm tiếp sức cho ngựa) vào ly nước thì hai sự khác biệt về mặt khái niệm mới trộn lẫn vào nhau để trở thành giải pháp.

Da Vinci cho rằng, việc cùng lúc suy nghĩ về hai đề tài khác nhau mà không tạo nên kết nối nào là điều không thể. Da Vinci đặt tên cho kỹ thuật này là "Kết nối những điều không liên quan" (Connecting the Unconnected). Trong công việc thuộc về lĩnh vực tư duy sáng tạo của mình, tôi (tác giả Michael Michalko) phát hiện ra rằng, đây là một kỹ thuật được dùng phổ biến bởi các thiên tài để tạo ra các mẫu tư duy khác biệt trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

Máy điện báo
(Ảnh: YouTube)

Samuel Morse và điện tín

Samuel Morse (1791-1872) là một họa sĩ người Mỹ đam mê sáng chế. Ông đã sáng tạo ra điện tín truyền bằng điện vào năm 1838. Nguyên lý truyền điện qua dây dẫn ở những khoảng cách dài đã được hoàn thiện trong thập niên trước đó nhưng Morse mới là người phát triển phương tiện truyền tải tín hiệu được mã hóa dưới dạng chấm (.) và gạch (-) để đưa công nghệ này vào thực tế.

Morse nộp đơn cấp bằng sáng chế điện tín vào năm 1840. Ba năm sau, Quốc hội Mỹ cấp cho ông 30.000 USD xây dựng đường dây điện tín đầu tiên từ Washington D.C. đến Baltimore. Ngày 24/5/1844, Morse gửi đi thông điệp nổi tiếng "What hath God wrought?" từ tòa tối cao Mỹ ở Washington DC đến trạm xe lửa B&O ở Baltimore.

Một thông điệp được gửi đi dưới dạng mã Morse: Marinha do Brasil-Hải quân Brazil.
Một thông điệp được gửi đi dưới dạng mã Morse: Marinha do Brasil-Hải quân Brazil. (Ảnh: Research Gate).

Tại Mỹ, hệ thống điện tín tăng trưởng cộng sinh với sự mở rộng hệ thống đường sắt quốc gia, với các đường dây đi theo tuyến đường sắt và văn phòng điện tín được mở ở nhiều trạm xe lửa lớn nhỏ trên toàn quốc. Điện tín đã từng là phương tiện liên lạc đường dài chủ yếu cho đến khi radio và điện thoại xuất hiện vào đầu thế kỷ 20.

Cập nhật: 16/07/2019 Theo vnreview
  • 731