Nhờ phương pháp mới, mảnh vỡ nặng 70 gram rơi xuống Tây Australia được tìm thấy chỉ 4 ngày sau khi thiên thạch lao xuống Trái đất.
Lần đầu tiên các chuyên gia sử dụng camera quan sát bầu trời kết hợp với drone để tìm mảnh thiên thạch, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc tiếp cận thông tin về Hệ Mặt trời, IFL Science hôm 16/3 đưa tin.
Ảnh chụp của drone cho thấy một khu vực trên sa mạc với mảnh thiên thạch được khoanh vùng trong khung rộng 22cm. (Ảnh: Seamus Anderson)
Con người chi hàng tỷ USD để đưa tàu vũ trụ đến các tiểu hành tinh xa xôi, lấy mẫu vật mang về phân tích. Đôi khi, các mảnh vỡ từ tiểu hành tinh cũng tự tìm đến dưới dạng thiên thạch đâm xuống Trái đất. Tuy nhiên, đa số mảnh thiên thạch có sẵn để nghiên cứu đã ở trên mặt đất một thời gian dài và không còn nguyên sơ như giới chuyên gia mong muốn.
Các nhà khoa học hành tinh đã thiết lập một số mạng lưới camera nhằm theo dõi đường bay của thiên thạch với hy vọng tìm ra mảnh vỡ nhanh hơn. Năm ngoái, họ nâng cấp hệ thống bằng cách sử dụng thêm drone. Thành công trong việc xác định đúng vị trí và tìm thấy thiên thạch ở vùng hẻo lánh của Australia được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.
Chỉ 4 ngày sau khi Mạng lưới Cầu lửa Sa mạc (DFN) chụp những bức ảnh đầu tiên về một thiên thạch lao vào khí quyển Trái đất, các nhà khoa học đã tìm thấy mảnh vỡ nặng 70 gram của nó ở Tây Nullarbor, Tây Australia, cách 50 mét so với đường bay theo tính toán.
DFN được xây dựng để tăng khả năng phát hiện các mảnh thiên thạch, đồng thời cung cấp nhiều hình ảnh về hành trình của chúng. Mạng lưới này tận dụng những khu vực rộng lớn của Australia với ưu điểm là không có ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng đến ảnh chụp và cũng ít thực vật cản trở việc tìm mảnh thiên thạch đáp xuống.
Ngày 1/4 năm ngoái, DFN đã ghi nhận một thiên thạch rất sáng lao qua bầu trời. Nghiên cứu sinh Seamus Anderson tại Đại học Curtin cùng các đồng tác giả trong nghiên cứu mới nhận thấy ánh sáng này rất mạnh nên một phần của thiên thạch có thể đã rơi xuống mặt đất. Họ sử dụng hình ảnh camera để lập ra một khu vực tìm kiếm rộng 5,1 km2 trên đồng bằng Nullarbor rộng lớn ở Tây Australia.
"Một drone gắn camera bay qua và thu thập hình ảnh của khu vực rơi, sau đó chuyển đến máy tính của chúng tôi. Tại đó, một thuật toán rà quét từng hình ảnh để tìm các mảnh thiên thạch và vật thể giống với chúng. Dù thuật toán đã được 'huấn luyện' dựa trên dữ liệu từ những cuộc tìm kiếm thiên thạch trước đây, chúng tôi vẫn mang theo các mảnh thiên thạch cũ và chụp ảnh chúng trên mặt đất tại khu vực rơi để tạo dữ liệu địa phương nhằm huấn luyện thêm", Anderson giải thích.
Công việc này đòi hỏi khoảng 10% nhân lực cần thiết cho một cuộc tìm kiếm thiên thạch thông thường - sự tiết kiệm quan trọng khi làm việc ở một nơi hẻo lánh dưới cái nóng dữ dội của Australia. Tuy nhiên, quá trình này không hoàn toàn suôn sẻ vì các nhà khoa học cũng gặp những "vật giả" như lon thiếc, chai lọ, rắn, kangaroo và xương của nhiều loài động vật.
Anderson cho biết, đây là thiên thạch thứ 8 được thu hồi nhờ DFN, nhưng là thiên thạch đầu tiên sử dụng drone. Phân tích sơ bộ cho thấy nó là H-chondrite, một loại thiên thạch khá phổ biến. Tuy nhiên, việc áp dụng thành công phương pháp mới sẽ mở đường cho công cuộc tìm kiếm những thiên thạch quý hiếm hơn.