Lần đầu tiên ghi hình bạch tuộc ở độ sâu 7.000m

  •  
  • 1.776

Các nhà khoa học chụp ảnh bạch tuộc Dumbo bơi độ sâu lớn nhất từng ghi nhận dưới Ấn Độ Dương, vượt kỷ lục cũ gần 2.000 m.

Tiến sĩ Alan Jamieson, CEO công ty Armatus Oceanic, cùng nhóm nghiên cứu phát hiện bạch tuộc ở độ sâu kỷ lục dưới Rãnh Java, Ấn Độ Dương, BBC hôm nay đưa tin. Nghiên cứu mới thuộc dự án khám phá đại dương Five Deeps Expedition và đã xuất bản trên tạp chí Marine Biology. Jamieson hy vọng các phát hiện trong dự án có thể góp phần xỏa bỏ một số quan niệm sai lầm về những nơi sâu nhất của đại dương.

Bạch tuộc Dumbo bơi tới xem xét mồi nhử đặt trên thiết bị ghi hình.
Bạch tuộc Dumbo bơi tới xem xét mồi nhử đặt trên thiết bị ghi hình. (Ảnh: BBC).

Các nhà khoa học ghi hình bạch tuộc nhờ Lander, loại thiết bị được thả từ tàu nghiên cứu, đáp xuống đáy biển và ghi hình những thứ đi ngang qua. Trong nghiên cứu mới, thiết bị ghi hình hai con bạch tuộc ở độ sâu 5.760 m và 6.957 m. Chiều dài cơ thể của chúng lần lượt là 43 cm và 35 cm. Chúng thuộc nhóm bạch tuộc Grimpoteuthis, còn gọi là bạch tuộc Dumbo do có vây nhô ra trên đầu giống với nhân vật voi biết bay Dumbo trong hoạt hình của Disney những năm 1940.

Trong suốt một năm rưỡi, các nhà khoa học đã đến thăm những nơi sâu nhất thế giới, đây là một phần của cuộc thám hiểm Five Deeps. Nhà sinh thái biển Alan Jamieson, người đứng đầu nhóm phát hiện, nói với CNN rằng nhóm nghiên cứu đã hoàn thành hơn 100 lần lặn nhưng họ đã bị sốc khi phát hiện con bạch tuộc.

Trước đó, các nhà khoa học cũng tìm thấy trứng và dấu vết của bạch tuộc ở những độ sâu rất lớn. Tuy nhiên, độ sâu lớn nhất từng ghi hình bạch tuộc chỉ là 5.145 m. Đó là một bức ảnh đen trắng chụp tại Caribbean 50 năm trước.

Trong chuyến lặn vào tháng 4 năm ngoái, Jamieson, CEO của công ty thám hiểm biển sâu Armatus Oceanic trả lời phỏng vấn CNNo: "Như thường lệ, chúng tôi đã quay rất nhiều thứ tương tự, nhưng rồi đột nhiên giữa một lần lặn khoảng gần 6.000 mét con bạch tuộc Dumbo này xuất hiện trong khung hình.

Sau đó hai ngày, chúng tôi đang thực hiện khám phá sâu hơn một chút, ở độ sâu 7.000 mét và máy ảnh chỉ ở dưới đáy biển trong khoảng bốn phút. Và một thứ gì đó vừa ra khỏi bóng tối, bò lên máy ảnh, không thể tin được lại là một chú Bạch tuộc Dumbo".

Việc chụp ảnh bạch tuộc ở độ sâu kỷ lục tại Ấn Độ Dương chỉ ra, sinh vật này có thể tìm được nơi sinh sống tiềm năng ở ít nhất 99% diện tích đáy biển trên thế giới. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Jamieson, chúng chắc chắn cần một số cách thích nghi đặc biệt để sống dưới biển sâu như vậy.

"Bạch tuộc phải làm gì đó đặc biệt bên trong các tế bào. Bạn có thể hình dung tế bào giống như một quả bóng bay, có xu hướng vỡ tung dưới áp suất lớn. Vì vậy, tế bào cần điều chỉnh về mặt sinh hóa để duy trì hình dạng đó. Mọi sự thích nghi cần thiết để sống với áp suất lớn diễn ra ở cấp độ tế bào", Jamieson nói.

Cập nhật: 15/06/2020 Theo VnExpress/Trí Thức Trẻ
  • 1.776