Lần thứ hai hổ Đông Dương đẻ thành công trong điều kiện nuôi

  •   52
  • 1.019

Sau hơn 100 ngày mang thai (từ 15.9.2006), đến ngày 30.12.2006, con hổ có tên Mi (loài hổ Đông Dương) nuôi tại Vườn thú Hà Nội đã sinh ra 4 con hổ con (2 đực, 2 cái). Đây là lần thứ hai hổ Đông Dương đẻ thành công trong điều kiện nuôi.

Chú hổ "duyên" với vườn thú

Hổ mẹ, hổ con – mẹ tròn, con vuông.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc vườn thú Hà Nội cho biết, "bà ngoại" của 4 chú hổ nhỏ mới sinh này có tên là Lâm Nhi. Lâm Nhi có nguồn gốc từ xã Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Theo ông Hùng, hổ Lâm Nhi do lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên Huế bắt giữ từ các đối tượng buôn bán động vật hoang dã ngày 19.7.1998. Sau nhiều cuộc hội thảo, đã có lúc tưởng Lâm Nhi sẽ bị trả lại rừng tự nhiên.

 

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học yêu cầu phải đưa về Vườn thú Hà Nội chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Hùng cho biết thêm, cái tên Lâm Nhi cũng là một cái tên đặc biệt, bởi nó được đặt do em Nguyễn Thị Chính - học sinh trường PTTH Lê Xoay, Vĩnh Phúc đặt. Em Chính đã vượt qua 10.000 cái tên khác tong cuộc thi đặt tên cho hổ do báo Hoa học trò tổ chức.

Và chính từ đây, Lâm Nhi đã "trụ" lại trong điều kiện chăm nuôi của con người. Giám đốc XN Chăn nuôi phát triển động vận Vườn thú Hà Nội Nguyễn Thị Hà hồ hởi, ngày 20.4.2003, hổ Lâm Nhi đã sinh được 4 con, nhưng chỉ có một con sóng sót, đó là hổ Mi. Và đến ngày 30.12.2006, hổ Mi đã đẻ được 4 con hổ con. Đây là lần thứ hai hổ Đông Dương đẻ thành công trong điều kiện nuôi.

Mừng đến rơi nước mắt

Chị Hà xúc động cho biết, ngay khi nhận được hổ Mi trở dạ, tôi đã mừng đến chảy nước mắt và lập tức phóng xe đến ngay Vườn thú. Hổ Mi đẻ 4 hổ con lúc 0h3 phút với mỗi chú nặng chừng hơn 1kg.

Bác sĩ thú y Nguyễn Danh Cường cho biết, trước khi hổ Mi đẻ khoảng 10 ngày, toàn bộ cúng tôi phải ứng trực 24/24h. Tất cả mọi di biến đều phải quan sát qua hệ thống camera. Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Cường bộc bạch: Trước đây (ngày 11.1.2005) chúng tôi đã phải chịu một bài học xương máu.

Tác giả với chú hổ con mới sinh.

Khi hổ đẻ trong thời gian quá lâu do hổ kêu gào khát sữa nên anh em đã tách ra khỏi mẹ để chăm sóc nhưng ngay sau đó hổ mẹ không cho bú. Kết cục là cả 3 con hổ con đều chết. "Để sẵn sàng cho những tình huống sấu nhất là phải mổ đẻ, các y bác sĩ đã phải chuẩn bị thuốc gây mê, dụng cụ mổ. Tuy nhiên, rất may hổ Mi đã...đẻ thường" - bác sĩ Cường nói.

Theo bác sĩ Cường, sau 2 tháng, các chú hổ con đã cứng cáp. Chúng đã chạy ra ngoài, đồng thời tha, gặm từ 1- 3 kg thịt và đã ăn được thịt băm. Còn trước đó tất cả đều phải cách ly, đồng thời phải sử dụng lò sưởi nhằm đảm bảo nhiệt độ lúc nào cũng phải trên 20 độ C.

Cũng qua tìm hiểu tại Vườn thú Hà Nội, khẩu phần ăn mỗi bữa cho "sản phụ" hổ Mi là 5kg thịt bò, 1kg sườn lợn và mỗi tuần bổ sung 2 bữa thịt thỏ tươi (đã lột da và bỏ lòng).

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Vườn thú Hà Nội cho biết, với 4 con hổ con mới sinh đã đưa tổng số hổ nuôi tại vườn thú lên 13 con.

Quang Hiệu

Theo Lao động
  • 52
  • 1.019