Một nhóm thợ lặn Nga vừa thực hiện chuyến lặn sâu chưa từng thấy ngoài khơi bờ biển Nam cực sau khi lao xuống một miệng núi lửa Nam cực đang hoạt động ở độ sâu 97m.
>>> Dự án Nam Cực-100: Thợ lặn Nga vươn tới kỷ lục thế giới
Các thợ lặn này là thành viên đoàn thám hiểm "Nam cực-100" thuộc Hội Địa lý Nga. Trước họ chưa từng có ai lặn xuống độ sâu như vậy ở Nam cực.
Mục tiêu của đoàn thám hiểm là lập kỷ lục lặn sâu, nghiên cứu hệ sinh thái dưới nước của cực Nam và thử nghiệm phương pháp và thiết bị lặn mới trong điều kiện khắc nghiệt.
Một thợ lặn trong đoàn thám hiểm đang lặn xuống Nam cực - (Ảnh: RT)
Để thực hiện chuyến lặn này, đoàn thám hiểm đã đi thuyền từ cảng Ushuaia của Argentina đến quần đảo Nam Shetland. Đích đến của họ là đảo Deception - nơi có miệng của một núi lửa đang hoạt động dưới biển.
Tại đây, họ gặp một cơn bão lớn đang tới. Vậy là họ chỉ có 8 giờ để thực hiện chuyến lặn.
"Độ sâu an toàn để lặn ở Nam cực là 20m và chưa có ai lặn xuống sâu hơn. Chúng tôi đã lặn hai lần - một lần sâu 97m và một lần 45m", trưởng nhóm nghiên cứu Dmitry Schiller nói, RT ngày 27/12 trích đăng.
Ông cũng cho biết các thợ lặn đã ở lại dưới núi lửa 5 phút, đủ để kiểm tra và lấy mẫu dưới đáy biển. Nhiệt độ nước khi đó là -3 độ C. Sau đó nhóm thợ lặn trở lên, họ mất đến 71 phút do quy trình an toàn. Đây cũng là thách thức lớn nhất của cả nhóm, chứ không phải lúc lao xuống.
"Chúng tôi phải đi qua một vùng băng nhỏ và gần như không thể nhìn thấy gì", Shiller nói.
Được biết chuyến thám hiểm này là giai đoạn thứ ba của đề án "Cực lạnh”. Mục tiêu của đề án là nghiên cứu hệ sinh thái dưới nước của cực Bắc và cực Nam, phát triển phương pháp lặn trong điều kiện khắc nghiệt.
Ở hai giai đoạn đầu, nhóm thám hiểm đã nghiên cứu những chiếc hồ độc đáo của vùng Yakutia và lập hai kỷ lục thế giới về lặn sâu ở vùng cực lạnh giá.