Lãnh đạo thế giới họp về biến đổi khí hậu

  •  
  • 477

Khoảng 100 nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã tới trụ sở Liên Hợp Quốc hôm qua để thảo luận về các biện pháp ngăn chặn tình trạng ấm lên của trái đất. Đây là hội nghị cấp cao nhất về biến đổi khí hậu từng được tổ chức.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là người phát biểu đầu tiên trong hội nghị tại thành phố New York, song bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế lớn khác mới thu hút sự chú ý. Các vị nguyên thủ này đưa ra nhiều cam kết đầy tham vọng hơn so với ông Obama – người đang vấp phải sự cản trở của quốc hội Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Chúng tôi sẽ yêu cầu các nước đang phát triển làm đúng như những gì họ nói”, AP trích lời ông Ed Miliband, một quan chức của Anh, tuyên bố. Mới đây Anh cam kết rằng, trước năm 2020 nước này sẽ cắt giảm hơn 1/3 lượng khí thải carbon so với mức của năm 1990. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York vào ngày 22/9. (Ảnh: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại trụ sở Liên Hợp Quốc hôm qua và hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 vào cuối tuần này được tổ chức để thúc giục Mỹ và các nước giàu cam kết cắt giảm lượng khí thải, đồng thời tài trợ hàng chục tỷ USD cho các nước đang phát triển để những nước này không phải chặt phá rừng hay đốt than đá.

Trung Quốc và Mỹ đều tạo ra khoảng 20% lượng khí thải toàn cầu do hoạt động đốt than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên. Lượng khí thải của Liên minh châu Âu chiếm 14%. Tiếp theo là Nga và Ấn Độ (mỗi nước đều chiếm 5%).

AP cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vạch ra những kế hoạch mới để mở rộng các chương trình tiết kiệm năng lượng và giảm mức độ ô nhiễm do khí thải carbon trong quá trình phát triển kinh tế. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã cắt giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng trong 4 năm qua và sẽ tiếp tục nỗ lực đó tới tận năm 2015. Mới đây Trung Quốc tuyên bố năng lượng tái sinh sẽ chiếm tỷ lệ 15% tổng mức năng lượng của nước này trước năm 2020.

Ấn Độ - nước có lượng khí thải lớn thứ năm trên thế giới – cũng được chú ý nhờ đề ra kế hoạch giảm lượng khí thải bằng cách sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn, bảo vệ rừng và tăng cường dùng phân hữu cơ.

Dưới thời chính quyền của cựu tổng thống George W. Bush, Mỹ từ chối đưa ra cam kết cắt giảm lượng khí thải với lý do Trung Quốc và Ấn Độ chẳng làm gì. Ông Bush tẩy chay Nghị định thư Kyoto 1997 vì cho rằng nó tác động xấu tới nền kinh tế Mỹ và không có điều khoản ràng buộc đối với Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số 5 nền kinh tế tạo ra nhiều khí thải nhất hành tinh.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 22/9 được coi là bước tạo đà cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12 năm nay. Mục đích của hội nghị sắp tới là tạo ra một thỏa thuận quốc tế mới về cắt giảm khí thải để thay thế Nghị định thư Kyoto (sẽ hết hiệu lực vào năm 2012). Theo BBC, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng nếu các nước không thể đạt được một thỏa thuận mới vào tháng 12 tới thì đó sẽ là thất bại "không thể tha thứ về mặt đạo đức".

Theo Minh Long - Vnexpress
  • 477