Theo thông báo ngày 30/11 của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), máy gia tốc hạt lớn ( LHC) của tổ chức này đã đạt mức tạo năng lượng 1,18 nghìn tỷ điện tử vôn (TeV), phá vỡ kỷ lục thế giới 0,98 TeV do đối thủ của nó là máy gia tốc hạt Tevatron tại Phòng Thí nghiệm gia tốc quốc gia Fermi của Mỹ xác lập năm 2001.
CERN cho biết một trong hai chùm hạt proton di chuyển trong máy gia tốc hạt lớn đã đạt mức năng lượng 1,18 TeV đêm 29/11. Sau đó, cả hai chùm proton đều đạt mức phát năng lượng kỷ lục này.
|
Các nhà khoa học theo dõi trên máy tính hoạt động của máy gia tốc hạt lớn (LHC) tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu. (Ảnh: AP) |
Tuần trước, CERN điều chỉnh các chùm proton di chuyển ở mức phát năng lượng thấp nhằm thăm dò độ an toàn của máy gia tốc hạt lớn.
CERN dự định cuối tháng 12 tới sẽ thực hiện các cú va chạm giữa các hạt proton có năng lượng ở mức 1,2 TeV, sau đó nâng lên 3,5 TeV cho mỗi chùm trong nửa đầu năm 2010.
CERN hy vọng năng lượng mỗi chùm proton trong máy gia tốc hạt lớn có thể đạt gần 5 TeV vào cuối năm tới.
Khi máy gia tốc hạt lớn đạt mức năng lượng 7 TeV, các nhà khoa học sẽ bắt đầu những thử nghiệm quan trọng để làm sáng tỏ những bí ẩn trong vũ trụ như "vật chất đen" và "năng lượng đen".
Các nhà khoa học châu Âu cũng hy vọng máy gia tốc hạt lớn sẽ giúp họ tái tạo vụ nổ lớn (Big Bang) được cho là hình thành nên vũ trụ cách đây khoảng 13 tỷ năm.
Máy gia tốc hạt lớn nằm trong một đường hầm dài 27km, ở độ sâu 100m dưới mặt đất tại khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ.
Cỗ máy này được khởi động lần đầu vào ngày 10/9/2008. Tuy nhiên, chỉ sau đó 9 ngày, máy gia tốc hạt lớn gặp sự cố về điện và các chuyên gia phải mất 14 tháng để khắc phục với chi phí 40 triệu USD.
Ngày 20/11 vừa qua, các nhà khoa học đã khởi động thành công máy gia tốc hạt lớn và thực hiện thí nghiệm đầu tiên./.