"Cần phải ra lệnh cấm nhân bản vô tính con người trên toàn cầu ngay lập tức, hoặc phải thông qua những qui định cấm bạc đãi những người được nhân bản". Đó là lời kêu gọi do các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa đưa ra.
"Dù chọn con đường nào, cộng đồng quốc tế cũng cần hành động gấp", báo Telegraph dẫn lời ông A.H. Zakri - giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp (IAS) thuộc Trường đại học LHQ - khẳng định. "Nếu thất bại trong việc ra lệnh cấm thì chuyện người nhân bản chia sẻ hành tinh này cùng chúng ta chỉ còn là vấn đề thời gian".
Ngày 12-11, IAS công bố báo cáo mang tên "Liệu nhân bản người là chuyện không tránh khỏi: những lựa chọn cho hoạt động quản lý của LHQ". Theo báo cáo, các nước hoàn toàn có thể đạt được một lệnh cấm bắt buộc có hiệu lực toàn cầu. Điều kiện đi kèm là cho phép thực hiện nghiên cứu nhân bản vô tính phục vụ chữa bệnh được kiểm soát chặt chẽ, bao gồm nghiên cứu tế bào mầm.
Telegraph cho biết tới nay đã có hơn 50 nước ra lệnh cấm nhân bản con người. Kể từ khi các chuyên gia Viện Roslin (Scotland) tạo ra cừu Dolly vào năm 1997, cho tới nay đã có rất nhiều loài sinh vật được nhân bản thành công, bao gồm bò, ngựa, trâu và khỉ. Nghiên cứu nhân bản con người cũng đã được các nhà khoa học một số quốc gia nghiên cứu với mục đích chữa bệnh.
Cyagra (trái) và Genesis, hai con bò nhân bản vô tính nuôi tại một trang trại ở bang Maryland (Mỹ) - (Ảnh: TTO) |
Hiện giới khoa học hầu hết các nước đều ủng hộ cấm nhân bản người, một phần vì lý do đạo đức và tôn giáo, nhưng chủ yếu do lo ngại rằng người nhân bản có thể bị dị dạng hoặc mắc các chứng bệnh thoái hóa. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, rào cản này hoàn toàn có thể bị xóa bỏ. Và chắc chắn đến một ngày, giới khoa học một nước nào đó sẽ công bố nhân bản thành công con người.
Báo cáo của ISA cảnh báo nếu kịch bản đó xảy ra, người nhân bản sẽ phải đối mặt với sự lạm dụng, kỳ thị, sự phân biệt đối xử... bởi thế giới sẽ coi họ là dạng "người thứ cấp". "Nếu tiếp tục không đạt được sự đồng thuận về lệnh cấm, thế giới sẽ phải nhận trách nhiệm và đảm bảo sẽ bảo vệ quyền con người cho người nhân bản" - ông Brendan Tobi, đồng tác giả báo cáo, khẳng định.
HIẾU TRUNG