Lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT 17/5

  •  
  • 1.063

Ngày 17/5 hàng năm là ngày thế giới lên tiếng chống lại nạn kỳ thị và phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBT) bằng nhiều hành động ý nghĩa.

Lịch sử, nguồn gốc ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT

Trước khi tìm hiểu về lịch sử và nguồn gốc của ngày này, chúng ta cũng cần hiểu ngày LGBT là ngày gì trước. LGBT là cụm viết tắt của 4 từ tiếng anh gồm: lesbian - đồng tính nữ, gay - đồng tính nam, bisexual - người song tính, transgender - người chuyển giới. Dễ hiểu hơn, thì LGBT là từ dùng để chỉ cộng đồng những người thuộc 4 nhóm kể trên hoặc những người đang tìm về đúng giới tính thật của bản thân mình.

Trước khi Liên hợp quốc công nhận, một thời gian dài tại Đức, người ta đã lấy 17/5 là Gay Day.
Trước khi Liên hợp quốc công nhận, một thời gian dài tại Đức, người ta đã lấy 17/5 là Gay Day.

Những người thuộc cộng đồng LGBT thường bị cho là khác thường, là dị biệt và bị kì thị ở rất nhiều nơi. Những người kì thị cộng đồng LGBT cho rằng họ thật “kinh tởm”. Trước khi Liên hợp quốc công nhận, một thời gian dài tại Đức, người ta đã lấy 17/5 là Gay Day. Mãi đến 17/5/1990, WHO chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách các bệnh tâm thần.

Đến năm 2004, cộng đồng LGBT đã kết hợp cùng với những người không kì thị người đồng tính đã tiến hành tổ chức Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính. Sự kiện được coi là một kết quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều tổ chức LGBT trên thế giới với sự tham gia của 24.000 người. Cũng từ thời điểm này, Ủy ban IDAHOT đã ra đời nhằm điều phối hoạt động của cộng đồng LGBT ở nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài ra, ILGA và IGLHRC cũng là những tổ chức lớn có liên quan đến cộng đồng người đồng tính, song tính.

Cũng từ đây, ngày 17/5 được công nhận là ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính, hay còn gọi tắt là ngày IDAHOT. Đặc biệt, kể từ khi ra đời, rất nhiều nước đã công nhận ngày này như: Ý, Canada, Tây Ban Nha, Anh, Mexico, Croatia, Bỉ, Liên minh châu Âu (EU)...Song song với việc công nhận này, Ủy ban IDAHOT cũng được thành lập ở nhiều quốc gia để giám sát, hỗ trợ các hoạt động của cộng đồng LGBT.

Ngày 17/5 hiện đã được tổ chức ở trên 130 quốc gia khác nhau, tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn coi việc đồng tính là bất hợp pháp. Ngày IDAHOT được coi là dấu mốc quan trọng về nhân quyền với những người thuộc cộng đồng LGBT và thu hút sự chú ý từ phía giới truyền thông, nhà chức trách cũng như những tập đoàn lớn và công chúng trước việc cộng đồng LGBT phải đối mặt vì xu hướng giới tính của họ. Ủy ban IDAHOT cũng đã được hình thành ở nhiều quốc gia nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vấn nạn bạo lực, kỳ thị và phân biệt đối xử không công bằng với cộng đồng LGBT. Việc này cũng sẽ thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về những người muốn sống đúng với giới tính của mình, từ đó tác động lên các nhà hoạch định chính sách.

Ý nghĩa của ngày IDAHOT

Ngày IDAHOT nhằm nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBT
Ngày IDAHOT nhằm nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBT.

Với việc tạo ra các sự kiện vào ngày 17/5, những người tổ chức cùng cộng đồng LGBT mong muốn:

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về người đồng tính, song tính, chuyển giới để hiểu hơn về nhóm người này. Ai trên đời cũng đều muốn sống với con người thật của mình, và những người thuộc cộng đồng LGBT cũng vậy

Giảm bớt việc kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành với những người đồng tính, song tính hay chuyển giới. Về bản chất, những người LGBT cũng chỉ là con người như bao người khác, chỉ là họ đang sống ở một giới tính không đúng với hình hài bên ngoài của họ. Họ không sai, họ không xấu xa. Vì thế, nếu ai đó có sự kỳ thị với những người LGBT thì chính những người đó mới sai.

Có thể tạo ra các sự kiện lớn hơn vào ngày IDAHOT ở cấp độ toàn cầu chứ không phải chỉ ở từng quốc gia như hiện nay. Điều này sẽ giúp kết nối cộng đồng LGBT trên khắp thế giới, đồng thời tăng nhận thức và giúp cho cơ hội "comeout" mở rộng hơn.

Các hoạt động hưởng ứng ngày IDAHOT trên thế giới

Để ủng hộ cho cộng đồng LGBT, rất nhiều hoạt động đã diễn ra trên khắp thế giới, nhất là ở châu Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu. Qua những sự kiện này, thông điệp bảo vệ cộng đồng LGBT sẽ được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Vào ngày dành cho LGBT:

Nhiều sự kiện đã diễn ra vào ngày 17/5 thu hút giới truyền thông
Nhiều sự kiện đã diễn ra vào ngày 17/5 thu hút giới truyền thông.

  • Ở Cuba, cuộc diễu hành đường phố được tổ chức một cách khá quy mô bởi Mariela Castro trong suốt 3 năm liền. Đặc biệt, từ ngày 27/9/2022 thì Cuba đã là nước cộng sản đầu tiên chính thức công nhận hôn nhân đồng tính, nghĩa là tại nước này, các cặp đồng tính có thể lấy nhau, nhận con nuôi hoặc mang thai hộ thương mại. Đây được coi là bước ngoặt lớn khi trước đó, vào thời của Chủ tịch Fidel Castro thì những người đồng tính sẽ bị đưa đến các nhà tù và bị phân biệt đối xử.
  • Tại Chile hơn 50 nghìn người đã tham gia kỷ niệm ngày IDAHOT
  • Global Rainbow Flashmob là sự kiện với sự tham gia của hơn 50 nhà hoạt động từ quốc gia và 100 thành phố khác nhau diễn ra vào năm 2013
  • Tại Albania, lễ hội âm nhạc "Love Music Hate Homophobia" hay đạp xe qua đường phố cùng được coi là sự kiện lớn nhân kỷ niệm ngày 17/5

Sự ủng hộ cộng đồng LGBT tại Việt Nam

Năm 2011, sự kiện nhân ngày Quốc tế chống kỳ thị và phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT đầu tiên đã được tổ chức ở nước ta. Sự kiện nhận được đông đảo sự ủng hộ từ những người trong cộng đồng và toàn xã hội cùng như lãnh đạo ban ngành, giới truyền thông và những nhà hoạch định chính sách.

Tại Việt Nam, "Việt Pride" cũng được tổ chức thường niên từ 2012.
Tại Việt Nam, "Việt Pride" cũng được tổ chức thường niên từ 2012.

Cho đến năm 2018, Liên hợp quốc tại Việt Nam chính thức tham gia vào Liên minh đoàn kết IDAHOT nhằm giúp giảm thiểu tình trạng phân biệt đối xử với những người đồng tính luyến ái.

Tiêu biểu nhất tại Việt Nam có lẽ không thể không kể đến sự kiện Việt Pride diễn ra thường niên từ năm 2012, điều khoản về việc cấm người cùng giới cưới nhau bị dỡ bỏ năm 2014, có hiệu lực vào 2015 dường như đã cung cấp cơ sở pháp lý cho việc thay đổi bản dạng giới hợp pháp. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có bước tiến lớn khi thực hiện được quyền thừa nhận giới tính hợp pháp của người chuyển giới.

Hàng năm, vào ngày 17/5, cộng đồng LGBT tại Việt Nam sẽ tập hợp lại, cùng tham gia diễu hành với lá cờ lục sắc - lá cờ của cộng đồng người đồng tính, song tính. Sự kiện Việt Pride chính là tiền đề quan trọng để xã hội biết đến nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng LGBT.

Giờ thì bạn đã biết, ngày 17/5 - ngày dành cho LGBT có lịch sử và ý nghĩa như thế nào rồi chứ? Là một người sống ở thời đại văn minh, hãy góp một phần nho nhỏ của mình giúp lan tỏa để cộng đồng LGBT được công nhận nhiều hơn nhé.

Cập nhật: 17/05/2023 coolmade.me
  • 1.063