Liệu có thể bắn đạn xuyên qua sao Mộc không?

  •   4,52
  • 1.985

Sao Mộc là một trong những hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt trời, nó có kích thước lớn gấp nhiều lần so với Trái đất và bao quanh nó là một lớp khí dày. Do vậy, đi xuyên qua sao Mộc không hề dễ dàng.

Sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương là 4 hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt trời. Chúng có khí quyển dày, khác với Trái đất hay bất cứ hành tinh đất đá nào trong hệ. Nhiều người thắc mắc, đi xuyên qua chúng có giống như đi qua một đám mây không, hoặc việc bắn đạn xuyên qua sao Mộc có khả thi không. Câu trả lời cho hầu hết các tình huống đều là không.

Sao Mộc không phải cấu tạo hoàn toàn từ khí và cũng không dễ bị đạn bắn xuyên qua.
Sao Mộc không phải cấu tạo hoàn toàn từ khí và cũng không dễ bị đạn bắn xuyên qua. (Ảnh: Vadim Sadovski/Frunze Anton Nikolaevich/IFLScience)

Sao Mộc cũng như các hành tinh khí khác, không phải chỉ có khí. Sao Mộc có lõi và lớp phủ bên dưới khí quyển. Lõi đặc của hành tinh có ranh giới không thực sự rõ ràng, trộn lẫn với lớp phủ bên trên - một đại dương khổng lồ chứa hydro kim loại lỏng. Đại dương này ước tính sâu hàng chục nghìn km.

Hydro kim loại là một trạng thái đặc biệt của hydro ở áp suất cao. Khí này bị hóa lỏng và trở nên tương tự thủy ngân, nhưng chỉ đặc bằng 60% nước và chịu áp suất khổng lồ. Hiện không có công nghệ nào của con người chịu được mức đó. Về phần lõi, giới chuyên gia vẫn cần tiến hành thêm các phép đo chính xác, nhưng bán kính của nó có thể chiếm tới 1/2 bán kính của cả hành tinh. Do đó, việc đạn bắn xuyên qua tâm sao Mộc là bất khả thi.

Các tàu vũ trụ Juno, Galileo và Cassini của NASA đã cung cấp cho giới khoa học thông tin về những lớp ngoài của khí quyển sao Mộc. Vậy có thể bắn một viên đạn xuyên qua các lớp này không?

Theo các ước tính đơn giản, để duy trì quỹ đạo quanh sao Mộc ở rìa khí quyển, vật thể phải di chuyển với tốc độ 42,5km mỗi giây. Viên đạn thương mại nhanh nhất vẫn chậm hơn 30 lần. Hơn nữa, nếu đi xuyên qua sao Mộc, vật thể sẽ bị nung chín trước vì mức nhiệt ở lớp trên cùng của khí quyển lên tới 630 độ C.

Nhiệt độ sau đó giảm xuống, nhưng tốc độ gió và áp suất lại tăng lên. Trong chuyến "tự sát" có chủ đích năm 2003, tàu Galileo sống sót khoảng 58 phút khi lao vào khí quyển sao Mộc, xuống sâu tới 156 km, chịu áp suất 23 atm và mức nhiệt 153 độ C.

Một viên đạn trung bình sẽ bị khối nước dày vài m chặn lại. Do đó, trừ khi dùng một khẩu súng cực mạnh và bắn ở góc rất nông, viên đạn sẽ không thể xuyên qua sao Mộc. Hành tinh này từng bị những vật thể di chuyển nhanh hơn đạn lao vào. Năm 1994, sao chổi Shoemaker-Levy 9 đâm xuống sao Mộc với tốc độ 61,4km mỗi giây. Nó để lại vài dấu vết ở khí quyển trong thời gian ngắn, nhưng các hạt văng ra từ vụ va chạm vẫn còn lưu lại đó. Các nhà nghiên cứu thậm chí đã sử dụng chúng để đo tốc độ gió ở tầng bình lưu của sao Mộc.

Cập nhật: 20/09/2024 VnExpress
  • 4,52
  • 1.985