Lộ diện khu vực triển khai căn cứ Mặt Trăng của Nga

  •  
  • 504

Nga chế tạo trạm liên hành tinh tự động để nghiên cứu khu vực đặt căn cứ Mặt Trăng.

Sputnik ngày 11/5 dẫn nguồn thạo tin cho biết, tổ chức sản xuất khoa học Lavochkincó có kế hoạch chế tạo bản sao trạm liên hành tinh tự động Luna-26 và Luna-27 để nghiên cứu khu vực đặt căn cứ của Nga trên Mặt Trăng.

"Trong khuôn khổ chương trình liên bang về một tên lửa hạng siêu nặng, việc chế tạo các tàu Luna-26/1 và Luna-27/1 đã được lên kế hoạch" - nguồn tin cho hay.

Tàu liên hành tinh tự động Luna-27/1 sẽ được xây dựng trên cơ sở nền tảng "Luna-27" và hạ cánh tại khu vực mà Nga dự định thiết lập căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai.

Tàu Luna-26/1 dựa trên cơ sở của "Luna-26" để chuyển tiếp thông tin từ "Luna-27" về Trái Đất.

Sự kiện ra mắt các trạm Luna-26/1 và Luna-27/1 được lên kế hoạch trước năm 2030.

ESA hỗ trợ Nga chế tạo các tàu phục vụ thám hiểm Mặt Trăng.
ESA hỗ trợ Nga chế tạo các tàu phục vụ thám hiểm Mặt Trăng.

Trước đó, Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) - ông Dmitry Rogozin đã cho biết, tàu quỹ đạo Luna-26 sẽ được gửi lên Mặt Trăng vào năm 2024, tàu đổ bộ Luna-27 sẽ được đưa lên vào năm 2025.

Luna-26 có nhiệm vụ tiến hành lập bản đồ và nghiên cứu từ xa bề mặt của Mặt trăng. Tàu đổ bộ Luna-27 sẽ thu nhặt và nghiên cứu các mẫu đất ở cực nam.

Hiện nay, Nga đã gần như hoàn thiện tàu đổ bộ Luna-25 để thử nghiệm công nghệ hạ cánh mềm trên Mặt Trăng. Nga dự định phóng Luna-25 vào năm 2020.

Luna-25 sẽ phải hạ cánh ở cực nam. Đây sẽ là sứ mệnh đầu tiên của Nga trên Mặt Trăng mà Nga sẽ thực hiện sau 40 năm gián đoạn. Trạm vũ trụ trên Mặt Trăng cuối cùng thời Liên Xô được phóng vào năm 1976 và có tên gọi là Luna-24.

Tàu đổ bộ Luna-25 sẽ có nhiệm vụ tìm kiếm nước đá ở vùng cực của Mặt Trăng, cũng như kiểm tra công nghệ hạ cánh mềm trên vệ tinh tự nhiên này của Trái Đất.

Tàu đổ bộ Luna-25.
Tàu đổ bộ Luna-25.

Để hiện thực hóa tham vọng làm tuyến giao thông Mặt Trăng và Trái Đất, Nga đã mở rộng hợp tác với châu Âu để tham gia các dự án nghiên cứu Mặt Trăng.

Hồi tháng 1 vừa qua, ông Anatoly Petrukovich, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tiết lộ rằng, không chỉ có sự tham gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mà cả công cụ của họ cũng sẽ tham gia cùng với Nga trong dự án nghiên cứu này.

Theo đó, các nước châu Âu có kế hoạch sản xuất và cung cấp cho Nga, tổng cộng khoảng 10 thiết bị khoa học và công nghệ dành cho 3 thiết bị nghiên cứu Mặt Trăng đầu tiên của Nga là Luna-25, Luna-26 và Luna-27.

Các thế hệ tàu phục vụ nghiên cứu Mặt Trăng của Nga.
Các thế hệ tàu phục vụ nghiên cứu Mặt Trăng của Nga.

Được biết, Nga và Trung Quốc cũng đang có cùng kế hoạch khai thác không gian này.

Hồi tháng 4 vừa qua, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mặt trăng và Vũ trụ của Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc Yu Gobin nói với Sputnik rằng, Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng khám phá chung về Mặt Trăng vào năm 2023.

Thời điểm Nga phóng tàu quỹ đạo Luna-26 giám sát Mặt Trăng từ quỹ đạo trùng với kế hoạch phóng tàu thăm dò không gian Hằng Nga-7 của Trung Quốc.

"Chúng ta có thể quan sát, chia sẻ và nhận dữ liệu” - ông Yu Gobin nói.

"Sự hợp tác của Nga và Trung Quốc trong không gian đã bắt đầu từ lâu, chúng tôi có tiểu ban về hợp tác vũ trụ, trong đó có một nhóm làm việc về nghiên cứu mặt trăng, hai nước chúng ta đã ký kết các bản ghi nhớ và thỏa thuận, cả hai bên đều coi trọng sự hợp tác này và đánh giá cao điều đó" - vị quan chức Trung Quốc cho biết.

Hệ thống tàu phục vụ khám phá xây dựng Mặt Trăng.
Hệ thống tàu phục vụ khám phá xây dựng Mặt Trăng.

Nga cần xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng bởi điều này sẽ phục vụ cho việc thực hiện các chuyến bay tới Sao Hỏa, Giám đốc Viện địa hóa học và Hóa học Phân tích thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Yury Kostitsyn cho biết.

Ông Kostitsyn cho rằng, căn cứ trên Mặt Trăng của Nga sẽ chứa các tàu vũ trụ hạng nặng để thực hiện các chuyến bay tới Sao Hỏa và các trạm quỹ đạo. Việc thực hiện chuyến bay tới Sao Hỏa từ Mặt Trăng sẽ dễ thực hiện hơn vì trọng lực của Mặt Trăng ít hơn so với Trái Đất.

Bên cạnh đó, ở trên Mặt Trăng cũng có những loại đá tương tự như trên Trái Đất, vì thế có thể khai thác vật liệu để xây dựng phần lớn công trình trên Mặt Trăng. Nếu so với đá trên Trái Đất thì trong cấu trúc đá bazan Mặt Trăng có nhiều kim loại cần thiết cho các cấu trúc xây dựng hơn, đó là nhôm và titan.

Nga muốn lên sao Hỏa từ Mặt Trăng.
Nga muốn lên sao Hỏa từ Mặt Trăng.

Nga đã có kế hoạch triển khai một căn cứ hoàn chỉnh trên mặt Trăng trong giai đoạn từ năm 2036 tới năm 2040.

Căn cứ này phải bao gồm các mô-đun có trang bị hệ thống hỗ trợ sự sống và bảo vệ bức xạ cho các phi hành gia, trung tâm giám sát không gian Trái Đất, các phương tiện cung cấp năng lượng và liên lạc, không gian để thực hiện các thí nghiệm về xử lý và sử dụng vật chất mặt Trăng cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác, khu xử lý và thử nghiệm các thiết bị và các công nghệ vũ trụ mới.

Xung quanh căn cứ phải bố trí một đài quan sát Mặt Trăng.

Cập nhật: 14/05/2019 Theo Đất Việt
  • 504