Lộ diện sinh vật lạ 237 triệu tuổi: Kẻ giả mạo khủng long?

  •  
  • 445

Các nhà khoa học mô tả sinh vật lạ mà họ tìm thấy ở Brazil là một loài "khủng long nhưng không phải khủng long".

Theo Sci-News, hóa thạch 237 triệu năm tuổi của một sinh vật lạ đã được khai quật từ những phiến đá kỷ Tam Điệp ở miền Nam Brazil.

Nó được xác định là một loài hoàn toàn mới thuộc nhóm bò sát đã tuyệt chủng Silesauridae, gồm những loài "khủng long nhưng không phải khủng long", theo mô tả của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Rodrigo Temp Müller từ Đại học Liên bang Santa Maria (Brazil).

Sinh vật lạ Gondwanax paraisensis vừa được khai quật ở Brazil
Sinh vật lạ Gondwanax paraisensis vừa được khai quật ở Brazil - (Ảnh: Gondwana Research).

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Gondwana Research đã tái tạo lại hình dáng của sinh vật lạ vừa được khai quật: Một loài bò sát trông rất giống khủng long nhưng có 4 chi dài, thon, thậm chí 2 tay trước còn khá giống cánh tay chúng ta.

Nó được đặt tên là Gondwanax paraisensis.

Nhóm bò sát Silesauridae mà sinh vật lạ lùng này thuộc về vẫn còn nhiều điều bí ẩn.,

Theo những lập luận được chấp nhận rộng rãi nhất, Silesauridae chính là "chị em" gần gũi với nhánh Dinosauria, tức khủng long.

Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng nó thuộc về một dòng dõi khủng long từng xuất hiện nhiều ở Nam Mỹ.

Nhưng nhìn chung, chúng giống khủng long một phần và đã từng phát triển mạnh trong kỷ Tam Điệp, cũng là kỷ nguyên mà các loài khủng long đầu tiên ra đời và đôi khi gây lầm lẫn cho các nhà cổ sinh vật học.

“Bất kể bối cảnh phát sinh loài, Silesauridae đã sinh sống ở các vùng đất kỷ Tam Điệp trong hơn 30 triệu năm" - các tác giả cho biết.

Vì thời gian tồn tại ngắn hơn nhiều so với dòng dõi khủng long và cũng quá cổ xưa, dữ liệu về Silesauridae trong hồ sơ cổ sinh vật học còn hạn chế.

Do đó, sự xuất hiện của sinh vật lạ ở miền Nam Brazil là cơ hội tuyệt vời để các nhà khoa học tìm hiểu thêm về gia tộc bò sát bí ẩn này, gồm nguồn gốc phát sinh của chúng, cũng như vị trí của chúng trên cây gia đình bò sát.

Điều này bao gồm trả lời câu hỏi liệu Silesauridae có phải khủng long hay không, và nếu không thì mối quan hệ họ hàng cụ thể như thế nào, tổ tiên chung có thể là loài nào...

Với niên đại lên tới 237 triệu tuổi, Gondwanax paraisensis là một trong những sinh vật có hình thái kiểu khủng long lâu đời nhất mà nhân loại từng được tìm đến.

Nó cũng có ba đốt sống xương cùng thú vị, một đặc điểm mà các nhà khoa học từng tưởng là chỉ xuất hiện ở các dạng bò sát tiến hóa hơn.

Đây là một trong những loài khủng long hình thái lâu đời nhất ở Nam Mỹ và là một trong những loài silesaurids lâu đời nhất trên toàn thế giới.

Bộ xương của loài động vật này được tìm thấy ở hệ tầng Santa Maria tại Rio Grande do Sul, Brazil.

Từng có một loài Silesauridae khác là Gamatavus antiquus được tìm thấy trong khu vực, vì vậy sự xuất hiện của loài mới còn có thể gợi ý rằng Nam Mỹ là khu vực mà nhóm bò sát này từng phát triển mạnh.

Cập nhật: 10/10/2024 NLĐ
  • 445