Các nhà khoa học lo ngại việc biến chủng Delta lây lan nhanh chóng có thể khiến SARS-CoV-2 xuất hiện thêm biến chủng mới, nguy hiểm hơn và lây truyền nhanh hơn.
Trong bối cảnh phần lớn dân số thế giới chưa được tiêm chủng, các nhà khoa học cảnh báo rằng biến chủng Delta có thể tiếp tục bị đột biến, theo The Hill.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho biết: "Ngay bây giờ, may mắn thay, vaccine Covid-19 vẫn hoạt động thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ chúng ta khỏi bị bệnh nặng và tử vong".
"Tuy nhiên, mối quan tâm lớn là biến chủng tiếp theo có thể xuất hiện, chỉ cần với một vài đột biến, virus này có thể sẽ kháng được vaccine", giám đốc Walensky nói.
Khi SARS-CoV-2 lây lan, virus sẽ sao chép vật chất di truyền để lây nhiễm sang nhiều tế bào hơn. Trong quá trình này, những vật chất đó đôi khi đột biến so với chủng ban đầu.
Các nhà khoa học lo ngại biến chủng Delta lây lan nhanh có thể khiến SARS-CoV-2 xuất hiện thêm chủng đột biến mới. (Ảnh: RFI)
Andrew Pekosz, giáo sư vi sinh phân tử và miễn dịch học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết virus này đột biến một cách ngẫu nhiên nhưng với tốc độ ổn định.
Tuy nhiên, “rất rất hiếm khi” vật chất di truyền của SARS-CoV-2 có thể biến đổi được đến mức tạo ra tính ưu việt hơn so với biến chủng trước.
Giáo sư Pekosz cho biết “cực kỳ khó dự đoán” khi nào những đột biến này sẽ xảy ra, và khả năng xuất hiện biến chủng mới sẽ tăng lên ở những khu vực mà virus có thể lây lan dễ dàng.
"Cho đến khi chúng ta đảm bảo được rằng virus không thể tự do nhân bản trong bất kỳ cộng đồng nào trên thế giới, sẽ luôn có khả năng xuất hiện đột biến của SARS-CoV-2", chuyên gia này nhận định.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại bốn biến chủng SARS-CoV-2 gây lo ngại hơn cả, bao gồm biến chủng Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, Delta đang trở thành biến chủng thống trị trên toàn cầu.