Loài chim dễ thương này đã trở thành một tên sát thủ điên loạn chỉ vì biến đổi khí hậu

  •  
  • 1.841

Một loài chim hiền lành đang dần thay đổi tập tính do những tác động gián tiếp từ môi trường. Hệ quả, một loài vật khác phải nằm xuống.

Không gì bàn cãi thêm, biến đổi khí hậu chính là "kẻ thù hàng đầu" của nhân loại. Ảnh hưởng từ hiện tượng này đã khiến môi trường sống của Trái đất bị phá hủy nghiêm trọng. Đơn cử là tình trạng băng tan hay thời tiết cực đoan, thay đổi thất thường qua từng năm.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất từ ĐH Groningen (Hà Lan) vừa được công bố đã khiến giới khoa học phải bàng hoàng vì sự khủng khiếp của biến đổi khí hậu gây ra. Đó là loài chim Bạc má lớn (Parus Major) vô cùng dễ thương đã bị biến thành kẻ săn mồi khi tấn công và ăn thịt loài khác.

Bạc má lớn vốn là một trong những loài chim đáng yêu, sinh sống phổ biến ở khắp châu Âu
Bạc má lớn vốn là một trong những loài chim đáng yêu, sinh sống phổ biến ở khắp châu Âu.

Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi quá trình làm tổ của loài chim này ở các vườn quốc gia ở Hà Lan trong giai đoạn 2007 - 2016.

Bạc má lớn vốn là một trong những loài chim đáng yêu, sinh sống phổ biến ở khắp châu Âu, Bắc Phi và Trung Á. Loài chim này thường xây tổ trong những hốc cây và ít di trú đến vùng khác ngoại trừ mùa đông cực kỳ khắc nghiệt.

Còn vào mùa hè, loài chim bắt ruồi (Ficedula hypoleuca) bắt đầu di cư từ Tây Phi đến Bắc Âu để tìm tổ trú ngụ. Thông thường, chúng có thói quen "sử dụng lại" những chiếc tổ của chim bạc má lớn.

Tuy nhiên những năm gần đây khi chúng tìm đến tổ của bạc má, thì hầu như những chiếc tổ đều vẫn bị những con chim bạc má lớn chiếm giữ. Nhưng đáng nói là khi bị động chạm đến tổ, bạc má không hề hiền lành tí nào. Chúng sẽ tấn công, mổ vỡ sọ vị khách không mời, và thậm chí là... ăn tươi nuốt sống luôn.


Cảnh tượng kinh dị: khi bạc má trở thành tên sát thủ điên loạn.

Tác giả nghiên cứu, nhà sinh vật học Jelmer Samplonius cho biết: "Khi đụng độ trực tiếp với loài bạc má lớn, chim bắt ruồi sẽ ít có cơ hội sống sót và dễ dàng trở thành miếng mồi béo bở cho bạc má". Bởi lẽ, cơ thể chim bắt ruồi có kích thước nhỏ để thuận lợi di cư đường dài. Trong khi đó, đối thủ của chúng - chim bạc má được trang bị bộ móng vuốt sắc bén, và chúng thường rất hung dữ trong mùa sinh sản.

"Hàng loạt xác chim bắt ruồi được tìm thấy hầu hết ngay trong các tổ của chim bạc má. Chúng tôi tìm thấy những vết thương nghiêm trọng ở phần đầu của chúng. Đáng chú ý là não của chúng đều bị chim bạc má ăn hết" - Samplonius cho biết.

Có thể thấy đây chính là cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Và đáng sợ hơn, khi các con chim bạc má non vừa mới nở ra đã phải chịu chứng kiến cảnh ba mẹ chúng tàn xác loài chim khác ra sao.


Tổ của bạc má.

Vấn đề là hành động tấn công và ăn thịt loài chim khác vốn dĩ không phải là tập tính của loài chim bạc má lớn. Thế điều gì đã khiến cuộc chạm trán "nảy lửa" đầy thương tâm xảy ra?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là: Biến đổi khí hậu

Theo lẽ thường, chim bạc má sẽ sinh sản hai tuần trước khi chim ruồi đến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến mùa xuân đến sớm hơn, đồng thời thúc đẩy sâu bướm phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế đã khiến loài chim bắt ruồi di cư sớm hơn dự tính.

Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng khiến mùa đông trở nên ấm áp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho loài bạc má "sống sót" qua được mùa đông mà chẳng cần phải đi đâu. Số lượng quần thể chim bạc má quá nhiều chính là tác nhân chính dẫn đến cuộc "chạm trán" khốc liệt khi chim bắt ruồi lăng xăng vào giành tổ với loài.

Xét về mặt tích cực, thì một số các nhà khoa học lại cho rằng cuộc đụng độ giữa 2 loài không gây ảnh hưởng nhiều lắm đến tổng số lượng quần thể. Dẫu vậy, chúng ta không thể phủ nhận rằng biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các loài sinh vật. Và chắc nhiều người cũng nhận ra, con người đang dần trở thành nạn nhân kế tiếp rồi.

Cập nhật: 14/02/2019 Theo helino
  • 1.841