Loài chim lạ có sải cánh dài rơi xuống bản Na Mèo, cực hiếm thấy ở Việt Nam là chim gì?

  •   3,45
  • 26.652

Mới đây, trên nhóm Facebook Động vật hoang dã Việt Nam với hơn 11,6 ngàn thành viên, một bài đăng của thành viên có tên Pham Van Thong đã chia sẻ hai bức ảnh về một loài chim khá to rơi xuống bản Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ngay lập tức, bài viết đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thành viên trong nhóm. Theo người đăng tải bức ảnh thì người dân đã tự nguyện chuyển giao con chim này về trung tâm cứu hộ để cứu chữa vì con chim đang trong tình trạng rất yếu (Xem ảnh dưới).

 Con chim rơi xuống bản Na Mèo.
Con chim rơi xuống bản Na Mèo. (Ảnh: Pham Van Thong)

Sải cánh của con chim vô cùng ấn tượng.
Sải cánh của con chim vô cùng ấn tượng. (Ảnh: Pham Van Thong)

Từ hình ảnh trên, rất nhiều thành viên trong nhóm đã có thể nhận dạng ngay đó là một con chim kền kền. Tuy nhiên, loài chim này được cho là đã tuyệt chủng ở Việt Nam, vì đã từ lâu không còn ghi nhận sự xuất hiện của chúng.

Thực tế, ở nước ta có hai loài chim kền kền từng tồn tại là kền kền mỏ nhọn (Tên khoa học là Gyps tenuirostris) - một phân loài của loài kền Ấn Độ và kền kền Băng Gan (Tên khoa học: Gyps bengalensis), chúng đều từng sinh sống ở Nam Trung Bộ (Theo Vncreature.vn).

 Hai loài kền kền từng sinh sống ở Việt Nam.
Hai loài kền kền từng sinh sống ở Việt Nam. (Ảnh biên tập: Thành Luân)

Trong đó loài kền kền Băng Gan là loài quý hiếm nhất Việt Nam, còn kền kền mỏ nhọn cũng thuộc loài rất hiếm gặp, có giá trị khoa học. Cả hai đều không còn xuất hiện ở Việt Nam nên việc kền kền xuất hiện ở bản Na Mèo là một điều rất hiếm gặp.

Mặc dù vậy con kền kền rơi xuống bản Na Mèo lại không phải là một trong hai loài kền kền kể trên vì có đầu và chân màu trắng. Thay vào đó, con kền kền này lại có vẻ ngoài giống với kền kền Griffon (Tên khoa học là Gyps fulvus).

 Kền kền Griffon.
Kền kền Griffon. (Ảnh biên tập: Thành Luân)

Kền kền Griffon là loài kền kền có chiều dài có thể lên đến 93–122 cm với sải cánh dài 2,3–2,8 m với đặc điểm đặc trưng là đầu và khoang cổ màu trắng, cánh rất rộng và lông đuôi ngắn. Loài kền kền này phân bố rất rộng ở cả châu Á và châu Âu.

Vùng phân bố của chim kền kền Griffon.
Vùng phân bố của chim kền kền Griffon.

Loài chim này thường di cư trong một khoảng cách rất xa, chúng sẽ tìm ăn xác thối trên hành trình dài này. Kền kền Griffon xây tổ (chỉ đẻ 1 trứng) trên các hốc đá trên các mỏm đá cách xa con người và các loài động vật khác, tuổi thọ của chúng có thể lên đến hơn 40 năm.

Cập nhật: 25/01/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 3,45
  • 26.652