Loài cóc ngỡ tuyệt chủng 30 năm tái xuất hiện

  •  
  • 345

Các nhà nghiên cứu vô cùng mừng rỡ khi trông thấy 30 con cóc hề đêm sao ở vùng rừng hẻo lánh trên núi cao.

Cóc hề đêm sao (Atelopus aryescue) có kích thước chưa đến 5cm và màu da đen tuyền với những chấm trắng, chỉ có thể tìm thấy ở một địa điểm duy nhất là dãy Sierra Nevada de Santa Marta ở Colombia, một trong những dãy núi ven biển cao và xa xôi nhất trên Trái Đất. Tên gọi của chúng bắt nguồn từ bầu trời buổi đêm ở khu vực này.

Cóc hề đêm sao có màu da đặc biệt.
Cóc hề đêm sao có màu da đặc biệt. (Ảnh: National Geographic).

Theo Lina Valencia, nhân viên bảo tồn của tổ chức phi lợi nhuận Global Wildlife Conservation, khi nhóm nghiên cứu lần đầu tiên trông thấy khoảng 30 con cóc hề màu đen trắng nghỉ ngơi trên các tảng đá, ý nghĩ đầu tiên của họ là cảnh tượng trông thật giống bầu trời đêm. Cộng đồng người bản xứ Arhuaco ở Sogrome, những người sống trong cùng khu vực với cóc hề đêm sao, đã mời các nhà khoa học tới nghiên cứu loài vật.

Trong vài thập kỷ qua, giới nghiên cứu lo sợ loài cóc cực kỳ nguy cấp đã biến mất, một phần do sự lây lan nhanh chóng của loại nấm có tên chytrid, khiến động vật lưỡng cư chết hàng loạt. Đặc biệt, cóc hề bị ảnh hưởng nặng nề bởi nấm chytrid. Trong số 96 loài cóc thuộc chi Atelopus, 86 loài thuộc nhóm động vật nguy cấp, cực kỳ nguy cấp hoặc tuyệt chủng trong tự nhiên.

Các nhà sinh vật học đã tái phát hiện một số loài cóc hề trong những năm gần đây, bao gồm cóc hề Costa Rica vào năm 2013, cóc Azuay stubfoot năm 2015 và cóc hề mũi dài năm 2016. Theo Cori Richards-Zawacki, nhà nghiên cứu động vật lưỡng cư ở Đại học Pittsburg, có bằng chứng các quần thể cóc sống sót sau đại dịch nấm chytrid và đang dần phục hồi.

Cập nhật: 13/12/2019 Theo VnExpress
  • 345